Thắc mắc: Tại sao người gầy cũng bị máu nhiễm mỡ?

Trên thực tế, máu nhiễm mỡ thường xuất hiện ở những người thừa cân, béo phì do chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh. Thế nhưng người gầy cũng có thể mắc máu nhiễm mỡ, song nguyên nhân lại xuất phát từ yếu tố di truyền và rối loạn chuyển hóa lipid máu.

Khi cơ thể bị rối loạn chuyển hóa lipid máu thì bất kể người thừa cân, béo phì hay người gầy cũng đều bị máu nhiễm mỡ. Vậy tình trạng này xảy ra như thế nào? Sau khi ăn từ 2 - 3 giờ, mỡ trong thực phẩm được cơ thể hấp thu, chuyển hóa vào máu và đạt mức cao nhất sau 4 - 6 giờ. Sau khoảng 9 giờ, nồng độ mỡ máu sẽ về mức bình thường.

Việc mỡ máu tăng nhiều hay ít, thời gian chuyển hóa nhanh hay chậm đều phụ thuộc vào loại mỡ, hoạt động của nhu động ruột và thời gian mỡ thoát khỏi dạ dày,... Thường khi mỡ trong máu tăng, việc ăn thêm mỡ không khiến lipid máu tăng quá cao do cơ chế tự điều chỉnh hàm lượng mỡ. Cơ chế này diễn ra như sau: Khi lipid máu cao đạt đến ngưỡng nhất định sẽ kích thích ức chế hấp thu lipid ở ruột.

Hơn nữa, nhiều người gầy có thói quen lựa chọn các loại đồ ăn nhanh chứa nhiều dầu mỡ, lười vận động thì nguy cơ mắc máu nhiễm mỡ sẽ cao hơn bình thường. Bên cạnh đó, một số người mắc rối loạn di truyền tăng cholesterol máu thì dù gầy hay béo cũng sẽ khiến mỡ máu tăng cao.

 

Sử dụng các loại đồ ăn nhanh gây máu nhiễm mỡ

Nồng độ cholesterol trong máu phụ thuộc vào độ tuổi, càng lớn tuổi thì mỡ máu càng có xu hướng tăng cao. Vì vậy, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo từ sau 20 tuổi, mọi người nên đi kiểm tra định kì các chỉ số mỡ máu để phòng ngừa nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch và biến chứng nguy hiểm khác.