Máu nhiễm mỡ là tình trạng lượng mỡ ở trong máu cao hơn so với bình thường, đây còn gọi là tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu. Theo nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc năm 2014, Việt Nam có đến 29,1% người mắc mỡ máu. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các bệnh nguy hiểm về tim mạch, đột quỵ. Vậy tại sao bạn lại là “nạn nhân” của căn bệnh nguy hiểm này?

4 nguyên nhân chính là nguyên nhân gây bệnh máu nhiễm mỡ

Có rất nhiều nguyên nhân để dẫn đến bệnh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia chuẩn đoán, nguyên nhân gây bệnh mỡ máu cao chủ yếu đến từ 4 tác nhân sau đây.

1. Chế độ ăn uống quá nhiều chất béo

Theo nghiên cứu khoa học, nguyên nhân máu nhiễm mỡ chủ yếu bởi cách ăn uống không điều độ, ăn nhiều chất béo bão hòa, đạm động vật, nhiều đường bột, đồ ăn nhanh,...

Inconvenient-truth-Aussies-spending-32-of-food-budgets-on-takeaways_wrbm_large.jpg

Chế độ ăn nhiều chất béo

2. Do tuổi tác – giới tính

Tuổi tác và giới tính là hai vấn đề không thể lựa chọn và kiểm soát. Khi cơ thể đến tuổi trên 50, sự chuyển hóa đã bắt đầu kém, không chuyển hóa hết lượng mỡ hàng ngày do thức ăn đưa vào trong cơ thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa mỡ do tuổi già.

Theo các chuyên gia, hormone nội tiết tố nữ là estrogen có ảnh hưởng đến việc chuyển hóa chất béo. Nữ giới đang trong độ tuổi từ 15 – 45 thường có tỉ lệ triglyceride thấp hơn so với nam giới. Tuy nhiên, khi bước sang giai đoạn mãn kinh, nghĩa là từ 45 tuổi trở đi, lượng triglyceride cùng cholesterol xấu ngày càng tăng, làm tăng khả năng bị mắc bệnh xơ vữa động mạch ở nữ giới.

3. Bệnh béo phì

Có một câu thành ngữ trong xã hội hiện đại như sau: “Ngày xưa to bụng là sang. Ngày nay to bụng mỡ gan, đái đường”. Trọng lượng mỡ dư thừa trong cơ thể tăng cao cũng tỉ lệ thuận với việc tăng hàm lượng cholesterol trong máu. Khi lượng mỡ vượt quá 25% trọng lượng cơ thể, cần siêu âm bụng hay chụp CT Scan bụng để xem mỡ có xâm nhập vào máu, gan và các cơ quan nội tạng hay không, từ đó tránh tình trạng rối loạn lipid máu mất kiểm soát.

4. Stress

Mệt mỏi do áp lực công việc, học hành,… dẫn đến stress  từ đó làm gia tăng tình trạng mỡ máu. Đây là tác nhân thuộc vấn để tâm lý, khó nhận biết và khắc phục. Không chỉ riêng bệnh mỡ máu cao, stress còn là nguồn gốc của các bệnh lý như rối loạn tiêu hoá, mất kiểm soát hành vi, chóng mặt và căng cơ quá mức…

Khoa học đã thừa nhận mối liên hệ giữa triệu chứng stress và sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim, làm suy yếu hệ miễn dịch. Nhóm nghiên cứu của Đại học London (vương quốc Anh) phát hiện ra stress góp phần làm tăng cholesterol xấu trong một thời gian dài ở một số người. Việc gia tăng cholesterol xấu là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh mỡ máu cao, gây áp lực lên thành mạch. Thêm nữa, stress gây cản trở khả năng loại bỏ cholesterol thừa của cơ thể, khiến cơ thể mệt mỏi, đình trệ, thi thoảng sẽ xuất hiện dấu hiệu choáng váng, xây xẩm nếu bất ngờ vận động.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác gây nên mỡ máu cao như trong gia đình có người mắc bệnh mỡ máu cao thì khả năng các thế hệ tiếp theo có nguy cơ mắc bệnh, hút thuốc, không chịu vận động, mắc các bệnh liên đới như tiểu đường hay rối loạn tuyến giáp…

Các nguyên nhân dẫn đến mỡ máu cao không khó để nhận ra, nhưng nhiều người chủ quan nên hay lơ là trong việc phòng tránh và điều trị.