Triglyceride là một trong những chỉ số xét nghiệm lipid máu dùng để đánh giá tình trạng sức khỏe. Vậy triglyceride là gì? Chỉ số này cao có ảnh hưởng gì đến sức khỏe? Những điều cần biết về chỉ số triglyceride sẽ có trong bài viết sau đây.
Chỉ số triglyceride là gì? Chỉ số triglyceride bao nhiêu thì nguy hiểm?
Triglyceride là một dạng chất béo chiếm 95% chất béo hàng ngày mà mỗi chúng ta tiêu thụ trong chế độ ăn uống. Nó cũng là thành phần chủ yếu trong dầu thực vật và mỡ động vật. Sau khi tiêu hóa triglyceride được sử dụng dưới dạng năng lượng tế bào khi di chuyển trong mạch máu. Đối với người thường xuyên cung cấp vào cơ thể lượng calo nhiều hơn khả năng tiêu thụ dẫn tới tình trạng thừa cân, béo phì.
Để biết chỉ số triglyceride hiện tại, bạn nên làm xét nghiệm kiểm tra về lipid máu. Chỉ số triglyceride bình thường là < 1,7 mmol/L (150mg/dL), nếu vượt quá mức này sẽ không tốt cho sức khỏe.
Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ đã đưa ra các tiêu chuẩn đối với nồng độ triglyceride trong máu:
Nồng độ md/dL |
Nồng độ mmol/L |
Giải thích |
<150 |
<1.69 |
Bình thường, nguy cơ thấp |
150-199 |
1.70-2.25 |
Nguy cơ cao |
200-499 |
2.26-5.65 |
Cao |
>500 |
>5.65 |
Rất cao |
Nguyên nhân triglyceride tăng cao
Một công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí Nutrients liệt kê các yếu tố góp phần làm tăng triglyceride gồm: di truyền, chế độ ăn nhiều calo, ăn nhiều mỡ, dùng chất có cồn, đái tháo đường (chủ yếu type 2), bệnh về thận (chứng tăng urê huyết), mang thai hoặc đang dùng một số loại thuốc như: thuốc uống chứa estroge. Theo thống kê, nhóm đối tượng dễ có nguy cơ triglyceride tăng cao gồm những người bị bệnh tim mạch trước tuổi 50, sử dụng thuốc nội tiết, người béo phì.
Triglyceride tăng cao ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?
Khi dùng thức ăn béo, hầu hết mỡ hình thành dưới dạng chất béo trung tính gọi là triglyceride hoặc khi tiêu thụ quá nhiều calo, sẽ được chuyển đổi thành triglyceride và lưu trữ bên trong các tế bào mỡ. Vì thế mà nhiều người có thể không biết và không kiểm soát tốt chỉ số triglyceride tăng cao có thể liên quan đến một loạt nguy cơ bệnh sau:
- Viêm tụy: Tuyến tụy có chức năng sản xuất dịch tiêu hóa cần thiết để hấp thụ thức ăn. Lượng mỡ máu triglyceride rất cao có thể gây sưng tuyến tụy, biểu hiện ở việc bất ngờ đau bụng dữ dội, nôn mửa, sốt, nhịp tim nhanh, thở nhanh. Nếu dịch tiêu hóa bị rò rỉ bên ngoài tuyến tụy, nó có thể đe dọa tính mạng. Rượu có thể kích hoạt bệnh viêm tụy cấp, cùng với triglyceride cao, rượu còn có thể đẩy chỉ số này lên cao hơn. Vì thế, trường hợp này điều trị cần kết hợp giảm cân, thay đổi chế độ ăn uống và tránh uống rượu.
Viêm tụy do tăng trìglycerid
- Tiểu đường type 2: Sự hình thành nhiều triglyceride là một phần tình trạng gọi là hội chứng trao đổi chất, bao gồm cao huyết áp, tăng mỡ bụng, HDL thấp (cholesterol tốt) và đường huyết cao. Chỉ số triglyceride cao kết hợp với 2 trong bất kỳ điều kiện nào kể trên cũng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2 lên gấp 5 lần.
- Bệnh tim mạch: Tương tự như trên, chỉ số triglyceride cao kết hợp với 2 yếu tố của hội chứng chuyển hóa khác tăng gấp đôi nguy cơ bị bệnh tim. Một lượng lớn mỡ máu loại này nằm bên trong các mạch máu cản trở việc vận chuyển ôxy cho cơ tim.
- Đột quỵ: Đột quỵ là tổn thương não xảy ra khi bị giảm nguồn cung cấp máu tới các tế bào não. Triglyceride ảnh hưởng đến các mạch máu cung cấp cho não. Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng đối với phụ nữ lớn tuổi, mỡ máu triglyceride là một trong những nhân tố gây đột quỵ.
- Bệnh gan: Mỡ tích tụ trong gan là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh gan mãn tính (xơ gan, ung thư, suy gan...). Trong số các trường hợp gan nhiễm mỡ không do rượu bia gây ra (NAFLD), có tới hơn 10% lá gan đã được thay thế bằng mỡ, mà nguyên nhân phổ biến nhất đối với NAFLD là bệnh tiểu đường, béo phì và triglyceride cao.
- Đau và tê chân: Quá nhiều mỡ máu tạo thành lớp chất trong lòng động mạch, khi chảy đến chân, chúng có thể dẫn đến bệnh động mạch ngoại biên có thể gây ra đau và tê ở chân, đặc biệt là khi đi bộ. Nó cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở chân hoặc bàn chân.
- Sa sút trí tuệ: Chức năng não suy giảm có thể ảnh hưởng đến trí nhớ, tư duy, ngôn ngữ và hành vi. Tuổi tác là một nguy cơ lớn đối với chứng mất trí, nhưng chỉ số mỡ máu triglyceride cao cũng vậy.
Cách giảm triglyceride cao như thế nào?
Chỉ số triglyceride cao có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Các chuyên gia khuyên rằng, chỉ cần ở độ tuổi trên 20, hãy làm xét nghiệm tổng thể máu 5 năm một lần. Nếu chỉ số triglyceride cao, việc điều trị sẽ bao gồm chế độ ăn uống, giảm cân, tập thể dục, kiểm soát đường huyết và dùng thuốc để đưa chỉ số này vào vòng kiểm soát an toàn.
- Chế độ ăn: Ăn ít chất béo, hạn chế món chiên xào, quay...đồ chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp, các loại hải sản như tôm, cua, hàu, hạn chế ăn trứng nhất là lòng đỏ trứng, không ăn nội tạng động vật: tim, gan, cật, lòng... tăng cường ăn rau xanh, hoa quả, nhiều cá và uống đủ nước.
– Cần giảm cân nếu béo phì nhưng cũng không nên nhịn ăn để giảm mỡ béo dư thừa sẽ khiến triglyceride tăng cao
- Không nên ăn quá muộn bởi thức ăn khó tiêu thụ, dễ động lại ở thành mạch.
- Người có triglyceride không nên thức khuya vì sẽ mệt mỏi, dễ tăng cân và thường tăng triglyceride cao hơn những người ngủ đủ giấc.
- Không nên sử dụng rượu bia, chất kích thích, không hút thuốc
- Việc tập luyện thể dục, thể thao cũng giữ vai trò quan trọng. Vận động để đốt cháy calo là cách bảo đảm triglyceride trong cơ thể được sử dụng. Hội Tim Mỹ khuyến nghị nên tập thể dục ở mức độ trung bình 30 phút mỗi ngày, 5 ngày/tuần.
Trường hợp bệnh chuyển nặng, biểu hiện bằng các biến chứng như xơ vữa động mạch, suy tim,… thì cần phải điều trị bằng thuốc. Sau khi thuyên giảm người mắc hãy điều trị bệnh tích cực bằng cách thực hiện một chế ăn hợp lý, thường xuyên tập thể dục nâng cao sức đề kháng và có thể sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe để tiếp tục điều trị và phòng ngừa.