Bệnh máu nhiễm mỡ đang có chiều hướng gia tăng theo nhịp sống hiện đại. Theo tổ chức y tế thế giới, tại Việt Nam, tỷ lệ người bị mỡ máu cao đang là 29,1%. Con số này tăng nhanh ở lứa tuổi 35 - 44 (chiếm khoảng 41,7%) và ở người cao tuổi là cao nhất (chiếm 63%). Không chỉ có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất, đối tượng người cao tuổi còn là nhóm phải chịu các biến chứng nặng nề nhất do sức đề kháng và thể lực đã suy yếu.
Mỡ máu là gì? Tại sao nhiều người già bị mỡ máu
Khi xét nghiệm máu nếu dư thừa 1 trong 3 thành phần gây hại gồm cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol và triglyceride, đồng thời giảm HD-cholesterol có lợi, tức là đã bị mỡ máu. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến rối loạn mỡ máu ở người cao tuổi:
- Người già sức khỏe yếu dần, hệ miễn dịch suy giảm. Chính vì thế mà người cao tuổi là đối tượng thường dễ mắc bệnh và bệnh mạn tính cũng thường hay bị tái phát trong đó có bệnh mỡ máu
- Bệnh đái tháo đường: Ở người cao tuổi đái tháo đường thường ở type 2, diễn biến thầm lặng hơn, các triệu chứng lâm sàng không rầm rộ, thường hay bị bỏ qua, không kiểm soát được nồng độ đường trong máu và xuất hiện rối loạn mỡ máu.
- Nghiện rượu, bia, thuốc lá: Người cao tuổi thường có thói quen nghiện rượu, bia, thuốc lá, nhất là các cụ ông.
- Ít vận động: Người già cần tham gia rèn luyện thể dục (nhất là các bài tập thể dục chữa bệnh, thể dục dưỡng sinh) thường xuyên, điều độ có thể trì hoãn được sự suy giảm các chức năng trong cơ thể, làm giảm nguy cơ khởi phát các bệnh mạn tính ở người cao tuổi.
- Chế độ ăn uống không hợp lý: Nhu cầu năng lượng của người 60 tuổi giảm đi 20%, ở người trên 70 tuổi giảm đi 30% so với người 25 tuổi. Cho nên khẩu phần dinh dưỡng cho người cao tuổi nên chú ý vào thành phần các chất được bổ xung hàng ngày phải cân đối hợp lý, nhất là các vitamin.
- Tác dụng phụ của thuốc: Người cao tuổi thường mắc các bệnh mạn tính như các bệnh tim mạch sử dụng nhiều các thuốc chẹn bê ta có thể gây nguy cơ kích hoạt bệnh đái tháo đường tiềm tàng và theo đó là rối loạn mỡ máu.
Nguy hiểm khi người già bị mỡ máu
Do hệ miễn dịch suy giảm mà người già dễ mắc bệnh và khi mắc bệnh thì mức độ nguy hiểm hơn rất nhiều. Mỡ máu gây xơ vữa động mạch, gây hẹp lòng mạch, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, thiếu máu não, nặng nhất là vỡ các mảng xơ vữa làm lấp mạch máu não gây đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim có thể dẫn đến tàn phế hoặc tử vong. Khi tăng triglyceride sẽ làm gan nhiễm mỡ, đề kháng lại chất insulin là nội tiết do tuyến tụy tiết ra có vai trò điều hòa chuyển hóa đường, dễ dẫn đến bệnh đái tháo đường. Khi triglyceride quá cao (trên 1000mg/dl) có thể gây viêm tụy cấp.
Người già cần phải làm gì để giảm mỡ máu
+ Phát hiện sớm triệu chứng để điều trị kịp thời: Người bị mỡ máu cao không có triệu chứng rõ rệt, đa số người béo bị bệnh mỡ máu nhưng bệnh cũng có thể có ở cả người gầy. Vì vậy mà người già cần phải thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng.
+ Chế độ ăn uống:
Chọn những thực phẩm chứa hàm lượng cholesterol thấp: Đây là nguyên tắc đầu tiên và thiết yếu đối với người bị mỡ máu cao. Các thực phẩm chứa ít cholesterol là rau xanh, nấm hương, bí đỏ, ...
Hạn chế ăn những thực phẩm chứa nhiều chất béo no: Đây là những chất rất dễ làm tắc động mạch. Theo đó, bạn nên hạn chế mỡ động vật và sữa. Nếu dùng sữa chỉ nên dùng loại sữa có hàm lượng chất béo chỉ 1-2%. Nên dùng các loại dầu thực vật như: dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu olive thay cho mỡ lợn.
Không nên ăn các loại thịt đỏ như bò, ngựa, trâu, cừu có chứa nhiều cholesterol, nếu bạn lạm dụng nó sẽ làm gia tăng bệnh. Thay vào đó là ăn thịt nạc, gia cầm bỏ da, đặc biệt sử dụng cá nhiều hơn thịt có tác dụng bảo vệ tim mạch. Những loại cá rất tốt như cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá trích và cá thu…
Ăn hoa quả tốt hơn dùng nước ép trái cây: Đối với bệnh mỡ máu cao thì nên ăn hoa quả trực tiếp, đặc biệt những hoa quả ít ngọt như táo, lê, ổi, mận, cam, bưởi… sẽ giúp tăng lượng chất xơ trong bữa ăn.
Không nên ăn tối quá muộn: Không nên ăn tối quá muộn với thức ăn nhiều đạm vì rất khó tiêu hoá và sẽ làm lượng cholesterol đọng trên thành động mạch dẫn đến xơ vữa động mạch. Cộng với chế độ tập luyện.
+ Tăng cường vận động cơ thể: Mỗi ngày nên đi bộ hoặc tập các môn thể thao phù hợp với sức khỏe từng người khoảng chừng 30 - 60 phút chia làm 2 - 3 lần, không nên chơi thể thao hoặc đi bộ liền một lúc 60 phút. Hạn chế tăng cân, béo phì.
Trường hợp bệnh chuyển nặng, biểu hiện bằng các biến chứng như xơ vữa động mạch, suy tim… người mắc cần phải điều trị bằng thuốc do bác sĩ chỉ định. Sau khi thuyên giảm, hãy điều trị bệnh tích cực bằng cách thực hiện một chế ăn hợp lý, thường xuyên tập thể dục nâng cao sức đề kháng và có thể sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe để tiếp tục điều trị và phòng ngừa.