Máu nhiễm mỡ ở người gầy nghe thật khó tin nhưng đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Đa phần chúng ta đều cho rằng, chỉ những người thừa cân, béo phì mới có nguy cơ cao bị máu nhiễm mỡ. Tuy nhiên, quan niệm này hết sức sai lầm, bởi máu nhiễm mỡ có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào. Để hiểu hơn về hiện tượng này, mời bạn tham khảo nội dung bài viết sau!
Máu nhiễm mỡ là gì?
Máu nhiễm mỡ (hay còn gọi bệnh mỡ máu, mỡ máu cao, rối loạn lipid) là tình trạng bất thường của các chỉ số mỡ máu (thường là cao hơn). Bình thường, gan sản sinh ra 80% cholesterol của cơ thể, 20% còn lại đến từ các nguồn thực phẩm mà cơ thể tiêu thụ hàng ngày. Cholesterol được sản sinh sẽ đi từ gan, qua mạch máu đến các mô, tế bào để thực hiện chức năng sống của cơ thể như: Sản sinh năng lượng, cấu thành nên các hormone, xây dựng tế bào,... Tuy nhiên, khi gan sản sinh ra quá nhiều cholesterol và quá trình tiêu thụ cholesterol tại mô, tế bào giảm thì cholesterol trong máu sẽ tăng, gây nên bệnh mỡ máu.
Máu nhiễm mỡ là những chất béo được tìm thấy trong máu và mô của cơ thể
Tại sao xuất hiện máu nhiễm mỡ ở người gầy?
Ở những người béo phì, do lượng mỡ dư thừa trong cơ thể lớn, không chuyển hóa hết chất béo dẫn đến tình trạng mỡ máu cao. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là sẽ loại trừ nguy cơ bị máu nhiễm mỡ ở người gầy, bởi gầy và mỡ là 2 thông số hoàn toàn độc lập với nhau. Người gầy nhưng lượng mỡ thừa trong máu cao do rối loạn chuyển hóa lipid thì nguy cơ mắc bệnh tương đương như người béo phì.
Người gầy cũng có nguy cơ cao bị máu nhiễm mỡ
Bình thường, trong cơ thể mỗi người sẽ có một lượng mỡ nhất định giống như hàm lượng cholesterol trong máu. Tuy nhiên, khi các chỉ số này vượt quá ngưỡng cho phép sẽ gây ra mỡ máu cao. Ngoài nguyên nhân này, người gầy bị mỡ máu cao còn do:
- Chế độ ăn uống không khoa học: Nạp nhiều các loại thực phẩm chứa axit béo bão hòa có thể làm tăng mỡ máu. Một số loại thực phẩm giàu cholesterol xấu là: Lòng đỏ trứng, thịt lợn, tôm, bơ thực vật và gan.
- Lười vận động: Những người thường xuyên sử dụng các đồ công nghệ như xem truyền hình hoặc sử dụng máy tính khi rảnh rỗi, không hoạt động thể chất sẽ làm tăng mức độ axit béo bão hòa cũng như cholesterol.
- Uống rượu: Uống rượu quá mức có thể làm tăng mỡ máu trong cơ thể. Khi bạn uống quá nhiều rượu, nó không được chuyển hóa bởi cơ thể làm tăng mức độ lipoprotein mật độ thấp (LDL).
Uống nhiều rượu có thể dẫn đến máu nhiễm mỡ
- Căng thẳng, stress: Căng thẳng quá mức làm tổn hại hệ thần kinh, gây ra các phản ứng ngược, làm rối loạn quá trình chuyển hóa chất trong cơ thể, suy giảm khả năng chuyển hóa mỡ khiến mỡ thừa không được giải phóng.
Người gầy bị máu nhiễm mỡ phải làm sao?
Để cải thiện tình trạng máu nhiễm mỡ, các chuyên gia khuyên bạn nên áp dụng chế độ ăn uống và luyện tập khoa học, cụ thể như sau:
- Tập luyện thể dục hàng ngày để tăng cường sức khỏe cũng như giảm nguy cơ máu nhiễm mỡ gây biến chứng.
- Tránh lựa chọn đồ ăn chứa chất béo bão hòa, hạn chế tiêu thụ thịt đỏ, mỡ, động vật, nội tạng,…
Hạn chế ăn nội tạng động vật giúp ngăn ngừa máu nhiễm mỡ
- Không nên ăn tối quá muộn, ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất đạm.
- Nên bổ sung các loại thực phẩm xanh vào thực đơn ăn hàng ngày như rau, trái cây giúp tăng vitamin tự nhiên và chất chống oxy hóa cho cơ thể.
- Tránh xa các chất gây nghiện như rượu, bia, thuốc lá,...
- Tránh ăn các đồ cay nóng, chiên xào nhiều dầu mỡ,... Thay vào đó, hãy chọn chế biến bằng cách hầm, luộc hoặc hấp.
Linh Ngọc