Bệnh tiểu đường và mỡ máu cao thường đi song hành với nhau. Người bị bệnh tiểu đường thường có nồng độ mỡ trong máu tăng cao. Đây là nguyên nhân dẫn tới các biến chứng tim mạch ở người tiểu đường. Vì vậy mà người bị tiểu đường cần thiết phải được điều trị rối loạn mỡ máu.
Bệnh tiểu đường gây rối loạn mỡ máu
Rối loạn mỡ máu là tình trạng tăng mỡ trong máu với các thành phần chủ yếu là: Cholesterol và Triglycerid. Theo trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật ở Hoa Kỳ, có khoảng 70% đến 90% người bị đái tháo đường tuýp 2 có rối loạn mỡ máu.
Người bị tiểu đường có nguy cơ mắc rối loạn mỡ máu
Khi đường huyết trong máu tăng cao sẽ tạo thành lớp bao phủ lên các thụ thể chuyên loại bỏ LDL- Cholesterol xấu tại gan, làm gan không thể loại bỏ được cholesterol, dẫn tới tình trạng cholesterol sẽ không ngừng tăng cao trong máu. Thêm vào đó, khi đường huyết tăng cao, độ nhớt của máu tăng sẽ làm tăng sự lắng đọng và bám dính của tế bào mỡ vào thành mạch, tạo nên các mảng xơ vữa và làm cho thành mạch bị hẹp dần lại.
Nguy hiểm khi bị tiểu đường kèm mỡ máu
Các nghiên cứu cho thấy mỡ máu cao ở người bị tiểu đường làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ và bệnh lý tim mạch. Người bị tiểu đường có kèm mỡ máu cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch từ 2 - 4 lần, tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ từ 2-6 lần, tăng nguy cơ bị tổn thương mạch máu gấp 10 lần so với người mắc đái tháo đường thông thường.
Đường huyết tăng cao kèm mỡ máu cao sẽ tăng nguy cơ gây tổn thương và viêm thành mạch. Nếu mỡ máu cao thường xuyên, các chất này sẽ lắng đọng trong các thành mạch, hình thành các mảng xơ vữa và xơ cứng thành mạch, làm cho lòng mạch hẹp dần lại và gây tắc nghẽn. Do đó, nếu không hạ và ổn định được đường huyết, giảm mỡ máu xấu, người mắc sẽ phải đối mặt với các biến chứng tiểu đường về tim mạch như các bệnh tim mạch vành, nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, đột quỵ... Trong khi đó, biến chứng tim mạch đang dẫn đầu trong số các nguyên nhân gây tử vong ở người bị tiểu đường.
Ngoài ra, khi mỡ máu tăng cao, mỡ máu xấu sẽ kháng lại chất insulin – nội tiết tố do tuyến tụy tiết ra để điều hòa chuyển hóa đường làm cho bệnh tiểu đường nặng hơn.
Giải pháp kiểm soát đồng thời đường huyết và mỡ máu
Cần phải kiểm soát đồng thời đường huyết và mỡ máu để hạn chế nguy cơ biến chứng của bệnh. Ngoài kiểm tra định kỳ chỉ số đường huyết cần kiểm tra cả lượng mỡ trong máu.
Nguyên tắc điều trị: Để kiểm soát tốt đường huyết và mỡ máu, cần nhất thiết thực hiện đồng thời bộ 3: chế độ ăn uống, luyện tập và dùng thuốc đúng chỉ định.
- Chế độ ăn uống: Người mắc nên ăn các loại thức ăn và hoa quả có chỉ số đường huyết thấp, ví dụ như hạt hướng dương, thịt trắng các loại, rau các loại, bưởi, ổi, mận, dâu tây, táo… Đồng thời, nên ăn các thực phẩm có tác dụng giảm mỡ như táo, cá hồi, cá chép, hành tây…
Ngược lại, người mắc nên tránh các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao và có hàm lượng mỡ cao như bơ thực vật, các đồ chiên rán, nội tạng và da động vật, lòng đỏ trứng gà, nước cam vắt, dưa hấu, bánh quy, cơm gạo lứt, củ cải, mía, nho khô, cháo, bắp rang, bánh mỳ, mật ong, đường mạch nha…
- Chế độ luyện tập: Cần thường xuyên luyện tập thể dục thể thao 30 phút mỗi ngày với các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe đạp, bơi lội…Người thừa cân phải giảm cân.
- Dùng thuốc đúng chỉ định: Cần duy trì uống thuốc đúng liều, đủ liều và liên tục. Đối với người tiểu đường có kèm mỡ máu cao, chuyên gia sẽ kê uống kết hợp thêm cả thuốc giảm mỡ máu xấu. Tuy nhiên, người bị tiểu đường có kèm rối loạn mỡ máu khi điều trị có nguy cơ bị tăng men gan nên thường sẽ phải uống thêm các thuốc trợ gan, thận.