Trong xã hội hiện đại, gan nhiễm mỡ là bệnh lý phổ biến nhiều người mắc phải. Gan nhiễm mỡ nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới xơ gan và ung thư gan. Bài viết dưới đây sẽ trình bày cho bạn các thông tin về gan nhiễm mỡ và cách điều trị cho hiệu quả nhanh.

Tổng quan về gan nhiễm mỡ 

Gan là bộ phận tổng hợp và dự trữ các chất cần thiết cho hoạt động của cơ thể như: Tổng hợp protein, lipid, yếu tố đông máu, dự trữ glucose,... Bất kỳ tổn thương gan nào đều gây ảnh hưởng xấu tới cơ thể.

khac-biet-giua-gan-binh-thuong-va-gan-nhiem-mo.webp

Khác biệt giữa gan bình thường và gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ là bệnh gì?

Gan nhiễm mỡ là tình trạng bệnh lý mà mỡ bị tích tụ nhiều trong gan gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng gan. Lượng mỡ trong gan ở người bình thường là 2-4% trọng lượng gan. Ở người bị gan nhiễm mỡ thì tỉ lệ này sẽ từ 5% trở lên.

Các giai đoạn của gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ được chia làm 3 mức độ và mỗi mức độ của gan nhiễm mỡ sẽ có những biểu hiện khác nhau.

  • Gan nhiễm mỡ độ 1: Lượng mỡ chiếm từ 5-10% trọng lượng gan. Đây được coi là giai đoạn nhẹ, không có biểu hiện gì và cũng không gây ảnh hưởng tới chức năng gan. Người bệnh nếu được phát hiện và điều trị sớm ở giai đoạn này thì hoàn toàn có thể khỏi hẳn.
  • Gan nhiễm mỡ độ 2: Lượng mỡ chiếm 10-25% trọng lượng gan. Ở giai đoạn này, mỡ đã bắt đầu xuất hiện rõ trên cơ hoành và nhu mô gan. Người bị gan nhiễm mỡ độ 2 sẽ có những biểu hiện như ăn không ngon, đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, người khó chịu. Vì đây là những triệu chứng khá phổ biến nên nhiều người vẫn còn chủ quan ở giai đoạn này.
  • Gan nhiễm mỡ độ 3: Gan nhiễm mỡ độ 2 không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ tiến triển sang mức độ 3. Lúc này, lượng mỡ chiếm đến hơn 30% trọng lượng gan và người bệnh xuất hiện các triệu chứng: Vàng da, vàng mắt, đau tức hạ sườn phải, u mạch nổi trên da,... Gan nhiễm mỡ độ 3 nếu không được điều trị kịp thời có thể tiến triển tới trường hợp xấu nhất là tử vong.

>>> XEM THÊM: Chỉ số gan nhiễm mỡ trong xét nghiệm máu

Gan nhiễm mỡ có nguyên nhân do đâu?

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ, chủ yếu đều bắt nguồn từ lối sống không lành mạnh của nhiều người.

  • Gan nhiễm mỡ do rượu: Việc tiêu thụ quá nhiều rượu làm tăng lượng NADH trong gan. Đây là một coenzym kích thích tổng hợp triglycerid và các chất béo tại gan, gây bệnh gan nhiễm mỡ. Ngoài ra, rượu cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương tế bào gan, dẫn tới xơ gan và ung thư gan.

ruou-la-nguyen-nhan-hang-dau-gay-ra-gan-nhiem-mo.webp

Rượu là nguyên nhân hàng đầu gây ra gan nhiễm mỡ

  • Thừa cân, béo phì: Tăng cân không kiểm soát, béo phì là yếu tố nguy cơ gây tình trạng gan nhiễm mỡ. Việc tiêu thụ quá mức lượng chất béo triglycerid khiến cơ thể không chuyển hóa được hết, gây tích tụ tại gan.
  • Mắc bệnh lý đái tháo đường: Người bị tiểu đường thì acid béo tự do trong máu sẽ tăng cao. Gan tăng chuyển hóa các acid béo tự do thành triglyceride dẫn tới tăng lượng mỡ trong gan.
  • Sút cân nhanh: Người bị sút cân quá nhanh khiến cơ thể không tổng hợp được apolipoprotein, dẫn tới triglycerid tích tụ tại gan, thời gian dài sẽ gây bệnh gan nhiễm mỡ.
  • Sử dụng thuốc: Một số thuốc như tetracycline (kháng sinh), nhóm corticoid, thuốc điều trị lao phổi có thể gây tác dụng phụ là gan nhiễm mỡ.
  • Mỡ máu cao: Khi hàm lượng cholesterol trong máu tăng cao khiến gan không chuyển hóa được hết. Cholesterol tích tụ ở gan gây bệnh gan nhiễm mỡ.

Dấu hiệu của gan nhiễm mỡ

Nếu gặp phải một số dấu hiệu dưới đây thì rất có thể bạn đang bị gan nhiễm mỡ: 

  • Người mệt mỏi, ăn không ngon miệng, chán ăn.
  • Tăng cân hoặc sụt cân mà không rõ nguyên nhân.
  • Bụng to và ậm ạch khó chịu, đau hạ sườn phải.
  • Vàng da, vàng mắt, nước tiểu vàng và sẫm màu.
  • Nổi mề đay, ngứa ngáy toàn thân.

met-moi-chan-an-la-dau-hieu-dien-hinh-cua-gan-nhiem-mo.webp

Mệt mỏi, chán ăn là dấu hiệu điển hình của gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ nguy hiểm như thế nào?

Lượng mỡ tích tụ lâu ngày gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng gan. Nhiều người bị gan nhiễm mỡ nhưng chủ quan không điều trị dẫn tới viêm gan, xơ gan, thậm chí là ung thư gan.

  • Viêm gan: Mỡ bao quanh các tế bào gan làm giảm chức năng gan, hạn chế khả năng đào thải độc tố của gan. Do đó, gan dễ bị tấn công bởi các yếu tố có hại, dẫn tới tình trạng viêm gan. Gan sẽ bị suy yếu trong thời gian ngắn, vì vậy, việc tầm soát để phát hiện bệnh sớm là rất quan trọng.
  • Xơ gan: Người bị gan nhiễm mỡ giai đoạn 3 (tổng lưỡng mỡ vượt trên 30% trọng lượng gan) có nguy cơ cao tiến triển thành xơ gan. Tình trạng xơ gan ngày càng nặng, các sợi xơ càng nhiều thì tế bào gan càng bị tổn thương nặng nề. Gan lúc này bị biến đổi cấu trúc và suy kiệt mà không thể hồi phục. 
  • Ung thư gan: Nhắc tới ung thư thì chắc hẳn ai cũng hiểu được mức độ nghiêm trọng của gan nhiễm mỡ nếu không điều trị kịp thời. Gan nhiễm mỡ tích tụ lâu ngày dẫn tới xơ gan. Nếu không điều trị tốt sẽ khiến các tế bào gan bị chết hàng loạt, dẫn tới ung thư gan. 

ung-thu-gan-la-mot-bien-chung-rat-nguy-hiem-cua-gan-nhiem-mo.webp

Ung thư gan là một biến chứng rất nguy hiểm của gan nhiễm mỡ

Bệnh gan nhiễm mỡ có chữa khỏi không?

Đây là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Gan nhiễm mỡ hoàn toàn có thể khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Khả năng chữa khỏi bệnh gan nhiễm mỡ càng cao nếu bạn đáp ứng được các điều kiện:

  • Tuyệt đối tuân thủ điều trị, nghe theo lời dặn của bác sĩ.
  • Ăn uống điều độ, không ăn nhiều thức ăn dầu mỡ.
  • Hạn chế uống rượu, bia, cà phê, không hút thuốc lá.

>>> XEM THÊM: Kinh nghiệm chữa gan nhiễm mỡ

Phương pháp điều trị bệnh gan nhiễm mỡ hiệu quả nhanh

Dưới đây là một số phương pháp điều trị gan nhiễm mỡ đem lại hiệu quả nhanh chóng và an toàn.

Điều trị gan nhiễm mỡ bằng thuốc tây 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gan nhiễm mỡ. Vì vậy, để điều trị gan nhiễm mỡ cần giải quyết các yếu tố nguy cơ.

  • Đối với người có bệnh lý rối loạn lipid máu thì được chỉ định thuốc giảm mỡ máu như: Nhóm thuốc statin không chuyển hóa kéo dài qua gan (rosuvastatin, pravastatin,...), nhóm fibrat (fenofibrat, bezafibrat,...).
  • Người bị đái tháo đường được chỉ định thuốc tăng nhạy cảm insulin như metformin, pioglitazone,...
  • Methionin: Một loại acid amin có vai trò tăng cường các quá trình hòa tan mỡ thừa tại gan, giúp giải độc và cải thiện chức năng gan.
  • Tiêm phòng virus viêm gan A, B, C cũng góp phần làm giảm nguy cơ dẫn tới gan nhiễm mỡ.

Ổn định chỉ số mỡ gan bằng thảo dược

Một số bài thuốc dân gian có tác dụng tốt trong việc kiểm soát chỉ số mỡ gan là:

Lá sen

Lá sen có tính mát, vị đắng nhẹ, thường được nấu nước uống để giải nhiệt, an thần, hạ cholesterol máu và ổn định huyết áp. Thảo dược lá sen đã được nghiên cứu bởi Cheng - Hsun Wu và cộng sự tại Trung Quốc cho thấy có tác dụng giảm tích tụ mỡ và giảm trọng lượng cơ thể. Để giảm mỡ gan, bạn chỉ cần lấy lá sen khô đem hãm với nước rồi uống. Có thể uống nóng hoặc để tủ lạnh để dùng dần như một loại nước giải khát. 

la-sen-co-tac-dung-tot-cho-nguoi-bi-gan-nhiem-mo.webp

Lá sen có tác dụng tốt cho người bị gan nhiễm mỡ

Nhân trần

Nhân trần cũng là loại thảo dược quen thuộc dùng để ổn định chỉ số mỡ gan. Nhân trần còn có công dụng tốt trong việc làm mát và giải độc gan. Cách dùng tương tự như với lá sen là đun nhân trần khô với nước để uống hàng ngày.

Dưa leo

Trong thành phần dưa leo có chứa nhiều chất xơ thúc đẩy quá trình bài tiết, giúp giảm cholesterol. Thêm vào đó, dưa leo còn có acid malonic - một chất ức chế chuyển hóa đường thành acid béo, nhờ vậy giúp cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ. Cách dùng: Ép lấy nước uống hoặc ăn sống.

Lô hội (nha đam)

Theo đông y, lô hội tính mát, vị đắng, có tác dụng trong việc thanh nhiệt, giải độc, nhuận tràng… Lá lô hội tươi còn có công dụng hạ mỡ máu, ổn định mỡ gan rất tốt. Cách dùng: Ép lấy nước từ lá lô hội rồi pha cùng mật ong để uống.

Tỏi

Trong tỏi chứa allicin và hợp chất sulfur - những chất có khả năng ức chế tổng hợp cholesterol xấu cũng như ức chế men fructose khiến cho lipid ở các tế bào gan không bị tích lũy. Cách dùng: Ăn sống hoặc làm gia vị cho các món ăn.

Các phương pháp khác giúp cải thiện gan nhiễm mỡ

Việc điều trị gan nhiễm mỡ cần có thời gian. Bên cạnh việc sử dụng thuốc tây và các thảo dược, bạn nên kết hợp thêm một số biện pháp dưới đây để đem lại hiệu quả điều trị cao nhất:

Giảm cân

Đây là điều cần thiết với những người béo phì mà đang bị gan nhiễm mỡ. Việc giảm cân sẽ giúp giảm gánh nặng cho gan, giảm sự kháng lại insulin do đó làm cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên bạn cần giảm từ từ, nếu giảm cân quá nhanh cũng sẽ gây những tác động xấu đến gan.

giam-can-la-viec-can-lam-voi-nguoi-beo-phi-bi-gan-nhiem-mo.webp

Giảm cân là việc cần làm với người béo phì bị gan nhiễm mỡ

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Hạn chế sử dụng các thức uống có cồn, giảm tiêu thụ thức ăn nhiều đường và dầu mỡ sẽ giúp gan của bạn khỏe mạnh hơn.

Bổ sung vitamin E, C 

Vitamin E, C có khả năng chống oxy hóa rất tốt, giúp giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ chuyển biến thành viêm gan. Do đó, bên cạnh việc sử dụng thuốc, bạn nên kết hợp bổ sung thêm 2 loại vitamin này.

Biện pháp phòng ngừa gan nhiễm mỡ

Bảo vệ gan là biện pháp tối ưu nhất để phòng ngừa gan nhiễm mỡ. Một số giải pháp sau sẽ giúp bạn có một lá gan khỏe mạnh:

  • Chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Bạn nên ăn nhiều chất xơ, hoa quả, giảm ăn mỡ động vật và thay thế bằng dầu thực vật.
  • Tập thể dục đều đặn: Việc vận động thường xuyên giúp tăng thải độc gan. Bạn nên dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục hoặc chơi thể thao.
  • Duy trì cân nặng hợp lý, không nên để quá béo hay quá gầy.
  • Hạn chế sử dụng các thức uống có cồn.
  • Khám định kỳ để theo dõi chỉ số mỡ gan và phát hiện kịp thời các bệnh lý ở gan.

Chế độ dinh dưỡng cho người bị gan nhiễm mỡ

Chế độ dinh dưỡng là một yếu tố cực kỳ quan trọng đối với người bị gan nhiễm mỡ. Thực đơn cho người bị gan nhiễm mỡ cần được theo dõi sát sao để kiểm soát lượng mỡ trong gan.

Bị gan nhiễm mỡ nên ăn gì?

che-do-dinh-duong-hop-ly-giup-cai-thien-tinh-trang-gan-nhiem-mo.webp

Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ

Người bị gan nhiễm mỡ nên ăn các loại thực phẩm sau:

  • Rau củ quả tươi: Rau củ quả có khả năng làm giảm cholesterol trong máu và gan. Đặc biệt nên ăn các loại rau xanh như súp lơ, cải xanh,... vì giúp ngăn ngừa tích tụ chất béo trong gan.
  • Cá: Các loại cá như cá cá hồi, cá ngừ, cá mòi… có chứa nhiều acid béo omega-3 giúp làm giảm mỡ gan.
  • Cà phê: Một nghiên cứu đã cho thấy rằng, những người bị gan nhiễm mỡ thường xuyên uống cà phê sẽ có ít tổn thương gan hơn so với người không uống.
  • Tỏi: Tỏi không chỉ là một gia vị rất quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày mà còn có tác dụng ức chế tổng hợp cholesterol xấu và giảm tích lũy lipid ở gan.
  • Dầu oliu: Thay vì thường xuyên dùng dầu động vật, bạn nên chuyển sang dùng dầu thực vật như dầu oliu. Loại dầu oliu này có tác dụng tốt trong việc giảm men gan và kiểm soát cân nặng.

Bị gan nhiễm mỡ nên kiêng gì? 

Một số loại thực phẩm nếu ăn nhiều sẽ càng làm nặng thêm tình trạng gan nhiễm mỡ bạn cần tránh như: 

  • Rượu: Đây được coi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh về gan nói chung và gan nhiễm mỡ nói riêng.
  • Chất béo và mỡ động vật: Tiêu thụ quá nhiều chất béo và mỡ động vật khiến gan không thể chuyển hóa hết, dẫn tới tích tụ mỡ ở gan.
  • Thực phẩm giàu cholesterol: Nội tạng động vật trong lòng đỏ trứng có chứa hàm lượng lớn cholesterol. Do đó, việc giảm ăn các loại thực phẩm này sẽ làm giảm lượng chất béo ở gan.
  • Gia vị cay nóng: Ăn nhiều các gia vị cay nóng sẽ gây hại cho gan, khiến gan bị suy giảm chức năng, do đó giảm bài tiết chất béo và tăng tích tụ tại gan.

Bài viết trên đã cung cấp cho bạn các thông tin về gan nhiễm mỡ. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về bệnh gan nhiễm mỡ, hãy để lại bình luận hoặc số điện thoại các chuyên gia của chúng tôi sẽ giải đáp cho bạn.

Link tham khảo:

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK441992/ 

https://www.webmd.com/hepatitis/fatty-liver-disease 

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/20481471/