“Máu nhiễm mỡ gan nhiễm mỡ kiêng gì” luôn là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ người mắc bệnh mỡ máu, gan nhiễm mỡ tại Việt Nam hiện nay chiếm 29,1%. Đây thực sự là lời cảnh tỉnh đối với sức khỏe của toàn dân, do đó, xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp là điều bạn nên thực hiện ngay từ bây giờ.
Máu nhiễm mỡ là gì?
Máu nhiễm mỡ là tình trạng các chỉ số mỡ máu trong cơ thể cao vượt ngưỡng bình thường. Để biết có bị mỡ máu cao hay không, bạn cần thực hiện xét nghiệm máu để tìm ra 4 chỉ số sau:
- Cholesterol toàn phần là tổng của LDL-cholesterol + HDL-cholesterol + cholesterol (Triglyceride x 0,20). Nếu chỉ số này > 5,2 mmol/L, nó bắt đầu gây hại cho sức khỏe.
- HDL–cholesterol: Lipoprotein tỷ trọng cao, tốt cho cơ thể. Chỉ số này luôn phải > 1,3 mmol/L để đảm bảo sức khỏe.
- LDL–cholesterol: Lipoprotein tỷ trọng thấp, có hại cho cơ thể. Chỉ số này > 3,3 mmol/L đã là cao.
- Triglycerid (chất béo trung tính): Nếu chỉ số này > 2,2 mmol/L sẽ gây hại cho cơ thể.
Gan nhiễm mỡ là gì?
Ở người bình thường, lượng mỡ trong gan rất thấp, khoảng 3 - 5% trọng lượng của gan (trong đó mỡ gồm có phospholipid, cholesterol, triglycerid, axit béo). Gan nhiễm mỡ xuất hiện khi lượng mỡ trong gan xuất hiện lớn hơn 5% khối lượng lá gan.
Mối quan hệ giữa máu nhiễm mỡ và gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ và máu nhiễm mỡ có mối quan hệ mật thiết. Điều này được giải thích như sau:
- Gan nhiễm mỡ là nguyên nhân sinh ra máu nhiễm mỡ
Acid béo tự do sau khi được hấp thụ qua gan sẽ chuyển thành cholesterol, nếu lượng chất này dư thừa sẽ chuyển thành triglycerid, kết hợp với apoprotein do gan sản xuất ra để đưa ra ngoài dưới dạng lipoprotein tỷ trọng thấp. Một khi đã xảy ra hiện tượng rối loạn chuyển hóa cholesterol ở tế bào gan thì tất yếu cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol.
Gan nhiễm mỡ đồng nghĩa với việc chức năng gan suy giảm, quá trình điều hòa và chuyển hóa lipid bị rối loạn. Đây chính là nguyên nhân sinh ra máu nhiễm mỡ (hay còn gọi là rối loạn lipid máu, mỡ máu tăng). Mặt khác, gan nhiễm mỡ sẽ hạn chế chức năng sản xuất apoprotein khiến chất béo vào gan nhiều hơn, làm tình trạng bệnh thêm trầm trọng.
- Máu nhiễm mỡ là nguyên nhân sinh ra gan nhiễm mỡ
Các rối loạn mỡ máu (bao gồm giảm HDL–cholesterol, tăng LDL–cholesterol, tăng cholesterol toàn phần, tăng triglycerid) đều có liên quan đến sự hiện diện và mức độ trầm trọng của gan nhiễm mỡ.
Bởi, gan đóng vai trò chuyển hóa lipid, nếu lipid trong máu đi qua gan quá nhiều thì hàm lượng cholesterol trong máu tăng cao. Hệ lụy là hàm lượng cholesterol trong máu vượt quá khả năng chuyển hóa của gan và làm cho mỡ trong máu tồn đọng trong gan, dẫn đến gan nhiễm mỡ.
Bản chất gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ đều là rối loạn chuyển hóa nên chúng thường song hành. Tuy tên gọi khác nhau nhưng cơ chế gây bệnh, nguyên nhân và cách chữa trị giống nhau. Khi mỡ máu giảm thì tình trạng gan nhiễm mỡ cũng sẽ cải thiện.
Khi bị máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ kiêng gì?
Mục đích của điều trị gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ là làm giảm hàm lượng mỡ trong máu và gan. Do đó, chế độ dinh dưỡng là điều cần được chú trọng, dưới đây là danh sách thực phẩm cần hạn chế đối với người bị mỡ máu, mỡ gan.
Hạn chế chất béo, mỡ động vật
Mỡ động vật khi dung nạp vào cơ thể sẽ đi qua gan, bài tiết ra ngoài ở gan. Nếu sử dụng quá nhiều mỡ động vật sẽ gây gánh nặng cho gan, khiến gan không thể bài tiết mỡ, khi tích tụ quá nhiều gây nên tình trạng gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ. Do đó, bạn nên thay mỡ động vật bằng các loại dầu có nguồn gốc từ thực vật.
Không ăn quá nhiều thịt đỏ
Trong thịt đỏ chứa rất nhiều protein, khi được chuyển hóa tại gan sẽ làm tăng gánh nặng cho gan, điều này gây tăng lượng mỡ tồn đọng, khiến tình trạng máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ trở nên nghiêm trọng hơn.
Người bị máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ không nên ăn quá nhiều thịt đỏ
Kiêng gia vị cay nóng
Các đồ ăn cay nóng sẽ làm suy giảm chức năng gan, khiến gan không thể bài tiết chất béo, làm chúng tồn đọng trong cơ thể, khiến tình trạng mỡ máu, mỡ gan ngày càng nặng hơn.
Thực phẩm có đường
Thực phẩm mà chúng ta thường ăn đều chứa loại đường chế biến gọi là sucrose, được chia thành glucose và fructose. Một số loại thực phẩm chứa hàm lượng đường cao khiến cơ thể bị quá tải với lượng fructose không cần thiết, do đó đường sẽ chuyển hóa thành chất béo, gây ảnh hưởng không tốt cho cơ thể.
Tránh xa các chất kích thích
Đây là nhóm thực phẩm cấm kỵ với người bị gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ. Tiêu thụ quá nhiều rượu, bia, cà phê, thuốc lá sẽ khiến gan gia tăng quá trình đào thải chất độc hại. Bên cạnh đó, còn làm tắc nghẽn động mạch, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là ung thư gan.
Hà Phương