Khi bị máu nhiễm mỡ có nguy hiểm không? Đây là nỗi băn khoăn của nhiều người hiện nay. Theo số liệu thống kê, máu nhiễm mỡ đang ngày một gia tăng và có xu hướng trẻ hóa. Việc hiểu rõ các biến chứng nguy hiểm là cách giúp ngăn ngừa và phòng tránh bệnh máu nhiễm mỡ hiệu quả. Để hiểu rõ về thông tin này, mời bạn đọc tham khảo bài viết sau!
Máu nhiễm mỡ xảy ra khi nào?
Bình thường, 80% mỡ của cơ thể được gan sản sinh bằng cách tổng hợp từ đường, đạm; 20% còn lại đến từ nguồn thực phẩm mà cơ thể tiêu thụ hàng ngày. Mỡ được gan sinh ra sẽ vận chuyển trong máu đến các mô, tế bào để đáp ứng những chức năng như: Sản sinh năng lượng, cấu thành nên hormone, xây dựng nên tế bào, mô,… Có thể ví gan, mạch máu, tế bào và mô là 3 bình thông nhau chứa mỡ cho cơ thể. Khi gan sản sinh quá nhiều mỡ hoặc quá trình tiêu thụ mỡ tại mô, tế bào suy giảm thì mỡ trong máu sẽ ứ trệ, tăng cao.
Hình ảnh máu nhiễm mỡ
Theo thống kê mới nhất của Viện Dinh dưỡng Việt Nam, hơn 29% người Việt trưởng thành bị rối loạn lipid máu. Trong đó, tỷ lệ này ở dân thành thị lên tới 44,3%.
Để biết bạn có bị rối loạn lipid máu hay không, cần căn cứ vào các chỉ số mỡ máu. Khi một hoặc nhiều tình trạng sau xảy ra thì bạn đã bị rối loạn lipid máu: Tăng cholesterol toàn phần ≥ 5,2 mmol/L, tăng triglycerid ≥ 2,2 mmol/L, tăng LDL-C ≥ 3,3 mmol/L, giảm HDL-C ≤ 1,3 mmol/L.
Nguyên nhân gây máu nhiễm mỡ
Nguyên nhân gây máu nhiễm mỡ rất đa dạng. Nó có thể đến từ các yếu tố nguyên phát (di truyền) hoặc thứ phát (chế độ ăn uống, lối sống) và một số nguy cơ kèm theo. Cụ thể bao gồm:
- Yếu tố nguyên phát
Rối loạn mỡ máu nguyên phát là tình trạng lipid bất thường gây ra bởi một gen đột biến hoặc gen di truyền từ một hay cả hai bố mẹ. Các gen khiếm khuyết có thể gây ra sự thanh thải bất thường lipid hoặc làm thay đổi cách thức một số lipid được tạo ra trong cơ thể. Nếu rối loạn lipid máu xảy ra trong gia đình, đó thường là do di truyền. Những người mắc chứng rối loạn mỡ máu nguyên phát liên quan đến tăng LDL-cholesterol có nguy cơ cao bị xơ vữa động mạch sớm trong đời, dẫn đến bệnh tim mạch ngay khi còn trẻ.
- Các yếu tố gây mỡ máu cao thứ phát
Đây là yếu tố có thể thay đổi. Giải quyết được các nguyên nhân này, tình trạng mỡ máu cao sẽ được cải thiện tích cực.
Một số nguyên nhân gây mỡ máu cao thuộc nhóm thứ phát bao gồm:béo bụng; Mắc bệnh tiểu đường, suy giáp; Nghiện rượu; Hội chứng buồng trứng đa nang; Hội chứng chuyển hóa; Tiêu thụ quá nhiều chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa; Hội chứng Cushing; Bệnh viêm ruột; Nhiễm trùng nặng, chẳng hạn như HIV; Phình động mạch chủ bụng,...
- Một số yếu tố nguy cơ
Các yếu tố rủi ro gây mỡ máu cao bao gồm: Lười vận động; Hút thuốc lá; Sử dụng một số loại thuốc; Mắc bệnh thận hoặc gan mạn tính; Tuổi già,…
Khi bị máu nhiễm mỡ có nguy hiểm không?
Máu nhiễm mỡ khiến nồng độ LDL-cholesterol tăng cao kết hợp với các chất khác trong máu hình thành những mảng bám, tạo ra cục máu đông ngăn chặn máu tới các cơ quan trong cơ thể hoặc vỡ ra. Hiện tượng này sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm:
- Xơ vữa động mạch: Xơ vữa động mạch là một trong những biến chứng thường gặp của mỡ máu cao (chiếm khoảng 30%). Đây là hiện tượng xảy ra khi LDL-cholesterol (một thành phần mỡ máu) lắng đọng và bám vào thành động mạch, gây ra các mảng bám. Lâu dần, mảng bám dày lên và làm hẹp lòng mạch, khiến máu chảy qua khó khăn, từ đó gây biến chứng nguy hiểm khác.
- Nhồi máu cơ tim: Tỷ lệ người bị nhồi máu cơ tim do máu nhiễm mỡ tăng đột biến trong những năm gần đây, trung bình năm sau cao hơn năm trước 15 - 20%. Tình trạng này do mạch máu đến tim bị xơ vữa, tim không nhận đủ lượng máu cần thiết, khiến mô tim bị tổn thương, dẫn đến đau tim, nhồi máu cơ tim.
- Ảnh hưởng đến gan: Một biến chứng thường gặp của bệnh mỡ máu là gan nhiễm mỡ, 20% gan nhiễm mỡ có thể tiến triển thành xơ gan, trong đó 5% có thể dẫn tới ung thư gan, thậm chí gây tử vong…
- Đột quỵ: Ở Việt Nam, có 200.000 người mắc bệnh đột quỵ não mỗi năm và 50% trong số đó tử vong có liên quan trực tiếp đến bệnh mỡ máu cao. Đây là tình trạng nguy hiểm, xảy ra khi mạch máu đến não bị xơ vữa, hình thành cục máu đông chặn ngang mạch máu đến não, từ đó làm chết các tế bào não và gây đột quỵ.