Chất lượng cuộc sống nâng cao, kèm với đó là sự xuất hiện của nhiều bệnh lý, điển hình là chứng mỡ máu cao. Vậy, bệnh mỡ máu cao có nguy hiểm không và đâu là giải pháp khắc phục tình trạng này một cách an toàn, hiệu quả? Hãy đến với các thông tin hữu ích có trong nội dung bài viết sau. Mời bạn đọc tham khảo!

Mỡ máu cao là gì?

Mỡ có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Có 2 cách cung cấp mỡ cho cơ thể: Một là sản xuất mỡ tại gan, hai là hấp thu từ thức ăn. Mỡ sẽ di chuyển trong máu đến các mô, tế bào. Ở đây, mỡ được đốt cháy để sản sinh năng lượng, cấu thành nên tế bào, sản xuất hormone,… Có thể ví gan, mạch máu, tế bào và mô là 3 bình thông nhau chứa mỡ. Nếu gan sản sinh quá nhiều mỡ hoặc đường tiêu hóa hấp thu quá nhiều mỡ từ thức ăn, quá trình vận chuyển mỡ (lipid) từ máu vào mô bị tắc nghẽn hoặc quá trình tiêu thụ mỡ tại mô, tế bào quá ít thì mỡ sẽ bị tích tụ, ứ trệ trong máu.

Điểm danh thủ phạm gây mỡ máu cao

Nguyên nhân gây mỡ máu cao rất đa dạng, đến chủ yếu từ 2 nhóm chính là: Nguyên phát (do gen, không thay đổi được) và thứ phát (do lối sống, chế độ ăn uống, điều kiện y tế,…). Cụ thể, chúng bao gồm:

- Nguyên nhân nguyên phát: Do các yếu tố di truyền, gây đột biến và làm tăng LDL-cholesterol

- Nguyên nhân thứ phát: Đây là các yếu tố do lối sống hoặc các điều kiện y tế gây ra. Chúng bao gồm:

+ Hút thuốc lá: Thuốc lá chứa nhiều chất độc, không chỉ ảnh hưởng đến phổi mà còn làm gia tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch.

+ Béo phì, thừa cân.

+ Ít vận động.

+ Tiêu thụ thực phẩm giàu chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.

+ Uống rượu quá mức cho phép.

+ Tuổi cao cũng là một yếu tố nguy cơ gây mỡ máu cao.

+ Mắc một số bệnh lý như: Suy giáp, tiểu đường, suy thận,…

Thắc mắc: Mỡ máu cao có nguy hiểm không?

Máu nhiễm mỡ là sát thủ thầm lặng của cuộc sống hiện đại. Căn bệnh này không trực tiếp gây tử vong, song nếu không phát hiện và điều trị dứt điểm sẽ tiến triển thành nhiều bệnh lý nguy hiểm. Điển hình bao gồm:

Máu nhiễm mỡ gây biến chứng viêm tụy

Một nghiên cứu năm 2016 của trường Đại học Copenhagen cho thấy kết quả về mối liên hệ giữa lượng mỡ máu với nguy cơ mắc bệnh viêm tụy. Nghiên cứu được thực hiện trên hơn 115.000 người chỉ ra rằng, mỡ máu có nhiều thành phần nhưng chỉ có triglyceride khi tăng cao có thể gây viêm tuỵ cấp.

Viêm tụy là một trong những biến chứng nguy hiểm xảy ra khi bạn mắc máu nhiễm mỡ. Hàm lượng triglyceride cao có thể gây sưng tuyến tụy, với biểu hiện như: Đau bụng đi ngoài dữ dội, sốt, nôn, thở nhanh, nhịp tim nhanh. Nếu trường hợp dịch tiêu hóa bị rò bên ngoài tuyến tụy có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Máu nhiễm mỡ có thể gây bệnh tiểu đường

Máu nhiễm mỡ có thể gây ra bệnh tiểu đường type 2 và ngược lại. Mối liên hệ này đã được các nhà khoa học nghiên cứu và chứng minh, nhất là với trường hợp có nguy cơ huyết áp cao, tăng mỡ bụng, cholesterol tốt thấp và đường huyết cao. Bên cạnh đó, chỉ số triglyceride cao sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.

Các chuyên gia lý giải rằng: Đường huyết trong máu tăng cao sẽ tạo thành lớp bao phủ lên các thụ thể chuyên loại bỏ LDL-cholesterol trong gan, đồng nghĩa với việc gan không thể loại bỏ được cholesterol, từ đó dẫn đến tình trạng cholesterol trong máu tăng cao.

Ngoài ra, đường huyết tăng cao kéo theo sự lắng đọng và bám dính của tế bào vào thành mạch máu, tạo nên các mảng xơ vữa, làm hẹp thành mạch máu, khiến tình trạng bệnh tiểu đường càng trầm trọng hơn.

Máu nhiễm mỡ làm gia tăng bệnh lý tim mạch

Các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, kết hợp cùng với chỉ số triglyceride tăng cao sẽ khiến người bệnh có nguy cơ đối mặt với bệnh lý tim mạch.

Nghiên cứu cho thấy, người có lượng cholesterol trong máu cao có tỷ lệ mắc bệnh mạch vành cao gấp 2 đến 3 lần so với người có lượng cholesterol bình thường (bình thường cholesterol máu <5,2 mmol/l), trong đó bạn cần quan tâm đến loại cholesterol xấu.

Nếu cholesterol toàn phần và cholesterol xấu tăng thì nguy cơ mắc bệnh về tim mạch càng cao do xơ vữa động mạch. Điều này sẽ làm tăng huyết áp, kéo theo nhiều hệ lụy. Đặc biệt, khi các mảng xơ vữa bị bong, chúng sẽ đi theo dòng máu gây tắc nghẽn mạch vành tim gây đột tử hoặc tắc động mạch não gây tai biến mạch máu não.

Máu nhiễm mỡ có thể gây đột quỵ

Yếu tố chính gây nên vấn đề này chính là chỉ số triglyceride tăng cao, ảnh hưởng đến các mạch máu cung cấp cho não. Bởi vậy, hậu quả của máu nhiễm mỡ có thể khiến người bệnh bị đột quỵ bất cứ lúc nào.

Linh Ngân