Người bị rối loạn mỡ máu nên ăn gì để cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa diễn biến phức tạp của bệnh? Đây chỉ là 1 trong số vô vàn băn khoăn liên quan đến chứng rối loạn mỡ máu. Thấu hiểu thực tế trên, với hy vọng cung cấp cho bạn đọc thông tin chăm sóc sức khỏe chính xác và bổ ích.

Rối loạn mỡ máu là gì?

Chất béo cùng với protein (chất đạm) và carbohydrate (chất đường bột) là ba thành phần chính của tế bào sống. Cholesterol và triglyceride là 2 chất béo trong cơ thể, có vai trò cung cấp năng lượng.

Rối loạn mỡ máu là tình trạng nồng độ chất béo trong máu quá cao hay quá thấp. Các dạng rối loạn mỡ máu phổ biến nhất bao gồm:

- Tăng nồng độ lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL – cholesterol hay cholesterol xấu).

- Giảm nồng độ lipoprotein tỷ trọng cao (HDL – cholesterol hay cholesterol tốt).

Nguyên nhân gây rối loạn mỡ máu

Sự phát triển của xã hội khiến cho bệnh rối loạn mỡ máu ngày càng phổ biến, gây ra nhiều phiền toái, thậm chí nguy hiểm khôn lường cho sức khỏe. Nguyên nhân bao gồm:

Chế độ ăn

Theo chuyên gia, tiêu thụ quá nhiều chất béo bão hòa có thể khiến mức cholesterol tăng cao. Các loại thực phẩm có hàm lượng chất béo bão hòa cao như: Thịt bò, thịt lợn, thịt bê, sữa, trứng, thực phẩm chế biến sẵn,... Do đó, bạn nên lựa chọn chế độ ăn phù hợp để cân bằng các chất trong cơ thể, loại bỏ nguy cơ mắc bệnh.

Mức độ vận động

Tập thể dục luôn là lựa chọn tốt cho sức khỏe. Việc thiếu hoạt động thể chất sẽ làm tăng lipoprotein xấu (LDL-cholesterol), gây nguy cơ mắc bệnh tim, suy giảm HDL-cholesterol.

Cân nặng

Béo bụng không chỉ khiến bạn mất tự tin về vẻ ngoài mà còn làm gia tăng lượng triglyceride (một loại chất béo tự nhiên có trong mô động thực vật), giảm lượng HDL-cholesterol (lipoprotein có tác dụng bảo vệ sức khỏe tim mạch).

Hút thuốc

Hút thuốc sẽ làm giảm lượng cholesterol tốt trong cơ thể của bạn. Điều này dẫn đến các bệnh về tim mạch. Do đó, bạn nên từ bỏ thói quen hút thuốc ngay từ bây giờ.

Tình trạng sức khỏe chung

Nếu bạn mắc các bệnh lý kèm theo như: Tiểu đường, suy giảm hoạt động tuyến giáp,... cũng là yếu tố khiến chỉ số mỡ máu tăng cao.

Người bị rối loạn mỡ máu nên ăn gì?

Dựa trên những nguyên tắc chung trong ăn uống dành cho người rối loạn mỡ máu. Các chuyên gia khuyên bạn nên lựa chọn danh sách những thực phẩm như sau:

Giá đỗ

Giá đỗ chứa hàm lượng vitamin C và chất xơ cao, đào thải cholesterol xấu ra khỏi cơ thể, tránh nguy cơ mắc xơ vữa động mạnh. Do đó, bạn có thể thêm giá đỗ luộc hoặc ăn sống vào khẩu phần ăn hàng ngày để hạ mỡ máu.

Ngũ cốc

Phần lớn người bị rối loạn mỡ máu thường có cân nặng ở mức vượt ngưỡng. Vì vậy, ngũ cốc là lựa chọn tuyệt vời cho người rối loạn mỡ máu. Thực phẩm này giúp bạn có cảm giác no lâu, giảm hàm lượng thức ăn dung nạp. Bên cạnh đó, chất xơ trong ngũ cốc giúp đào thải cholesterol ra khỏi cơ thể, loại bỏ tối ưu chất béo tồn đọng ở thành mạch.

Các loại cá

Cá và dầu cá chứa hàm lượng omega-3 rất tốt cho người rối loạn mỡ máu. Bạn nên ăn cá từ 2-3 lần/tuần để giảm lượng cholesterol trong máu. Các loại dầu thực vật như: Dầu đậu nành, vừng, lạc chứa omega-6 cũng làm giảm lượng cholesterol máu, ngăn chặn các biến chứng tim mạch.

Các loại rau xanh, hoa quả

Hầu hết các loại rau xanh, hoa quả đều chứa nhiều chất xơ, giúp đào thải cholesterol. Trong đó, táo là lựa chọn tốt nhất vì có khả năng hấp thụ cholesterol dư thừa, cải thiện tối đa tình trạng mỡ máu. Ngoài ra, hành tây, nấm hương cũng là thực phẩm giúp đào thải cholesterol xấu và tăng cường cholesterol tốt cho cơ thể.

Các loại thịt trắng

Khi bị rối loạn mỡ máu, nếu chỉ ăn rau xanh và hoa quả thì sẽ không thể cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể. Do đó, bạn cần bổ sung thêm các loại thịt trắng như: Thịt gà, vịt, ngan,… Đặc biệt, lưu ý không nên ăn da các loại động vật và gia cầm.

Linh Ngân