Nhiều người không biết chỉ số HDL-cholesterol trong máu là gì? Bởi đây còn là một cụm từ khá xa lạ, theo các chuyên gia, cholesterol trong máu bao gồm LDL cholesterol và HDL-Cholesterol. Mọi người đều biết chỉ số LDL-Cholesterol không tốt cho cơ thể, vậy còn HDL-Cholesterol thì sao? Để được giải đáp cụ thể, mời bạn đọc tham khảo nội dung có trong bài viết sau đây!
HDL-cholesterol là chỉ số gì?
Khi xét nghiệm mỡ máu, bạn cần phải quan tâm đến 4 chỉ số quan trọng, đó là: cholesterol toàn phần, LDL-Cholesterol (LDL-C), HDL-Cholesterol (HDL-C) và triglycerid.
HDL-Cholesterol là cholesterol lipoprotein mật độ cao. Lipoprotein bao gồm protein và chất béo. HDL-Cholesterol được biết là cholesterol tốt trong máu vì “chở” các cholesterol xấu, lipoprotein mật độ thấp (LDL), triglycerid, và chất béo độc hại chuyển đến gan để xử lý. Khi HDL tới gan, gan sẽ phân huỷ LDL, chuyển chúng thành mật và đào thải ra khỏi cơ thể.
Có 4 thành phần mỡ máu cần quan tâm
Chỉ số của HDL-Cholesterol trong máu là gì?
Nếu như chỉ số của LDL-Cholesterol trong máu cao mang lại nhiều nỗi lo, làm tăng nguy cơ các bệnh lý tim mạch, thì chỉ số của HDL-Cholesterol trong máu cao có ý nghĩa ngược lại.
Chỉ số bình thường của HDL-Cholesterol trong máu
Nồng độ HDL-Cholesterol bình thường trong máu khoảng 40-50 mg/dL (1.0-1.3 mmol/L) ở nam và khoảng 50-59 mg/dl (1.3-1.5 mmol/L) ở nữ. Bình thường, cơ thể có các cơ chế tự điều hòa để đảm bảo nồng độ HDL-Cholesterol ổn định ở mức độ nhất định.
Chỉ số HDL-Cholesterol cao trong máu có ý nghĩa gì?
Nhờ chức năng vận chuyển cholesterol dư thừa từ các mô, đặc biệt là mạch máu về gan để chuyển hóa và thải trừ, HDL-Cholesterol được xem là yếu tố quan trọng để bảo vệ thành mạch khỏi tác nhân gây xơ vữa mạch máu, là nguyên nhân chính gây nên các biến cố tim mạch nguy hiểm như: Nhồi máu não, nhồi máu cơ tim,...
- Với ngưỡng nồng độ từ 40mg/dl đến 59mg/dl thì nồng độ HDL-Cholesterol càng cao, hiệu quả bảo vệ tim mạch càng tốt, khi tăng mỗi 4mg/dl HDL-Cholesterol thì làm giảm 10% nguy cơ các bệnh lý tim mạch.
- Nồng độ HDL-Cholesterol trong máu được coi là cao khi > 60 mg/dl (tương đương 1,55 mmol/l). Nồng độ này có ý nghĩa là giảm tỉ lệ các biến cố tim mạch. Theo Hội tim mạch Mỹ, đây là ngưỡng nồng độ có tác dụng bảo vệ khỏi bệnh lý tim mạch.
- Nồng độ rất cao HDL-Cholesterol (> 90 mg/dl) hiếm gặp, chủ yếu gặp ở bệnh nhân mắc các bệnh lý liên quan đến gen hoặc rối loạn chuyển hóa. Điều này làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.
Do đó, chỉ số HDL-Cholesterol cao trong máu về cơ bản là tốt cho sức khỏe, làm giảm nguy cơ các bệnh lý tim mạch, tuy nhiên, cũng cần chú ý khi chỉ số HDL-Cholesterol của bạn cao một cách bất thường.
5 cách tăng HDL-Cholesterol bảo vệ sức khỏe tim mạch
HDL–Cholesterol vận chuyển cholesterol dư thừa đến gan để xử lý, ngăn ngừa được tình trạng mỡ thừa tích tụ trong máu. Để tăng nồng độ HDL-Cholesterol, bạn cần áp dụng các biện pháp sau:
Tập thể dục
Thường xuyên tập thể dục giúp cơ thể khỏe mạnh và gia tăng lượng HDL-Cholesterol. Các bài tập như: Chạy, đạp xe, bơi lội,... đều rất hữu ích đối với sức khỏe tim mạch.
Tập thể dục giúp tăng HDL
Đối với phụ nữ, tập thể dục không chỉ giúp giảm cân mà còn tăng lượng cholesterol tốt. Nam giới béo phì chỉ cần tập chạy 3 ngày/tuần, trong 12 tuần sẽ giúp loại bỏ lượng mỡ thừa và làm tăng cholesterol tốt trong cơ thể.
Giảm cân
Nếu bạn bị thừa cân hay béo phì, hãy giảm cân bởi điều này sẽ tăng làm HDL-Cholesterol. Theo các chuyên gia, việc giảm 7% trọng lượng cơ thể giúp quá trình chuyển hóa các chất thay đổi đáng kể. Nhưng điều quan trọng là bạn vẫn phải đảm bảo chỉ số cân nặng phù hợp.
Ngừng hút thuốc
Hút thuốc kéo theo một loạt các vấn đề về sức khỏe như: Nhồi máu cơ tim, phổi và ung thư. Hơn nữa, hút thuốc còn làm giảm lượng mỡ tốt, gây ức chế quá trình tổng hợp HDL-Cholesterol, hạn chế quá trình chuyển hóa. Ngược lại, bỏ thuốc giúp tăng cường quá trình chuyển hóa và tổng hợp HDL-Cholesterol như ban đầu.
Ăn cá
Ăn cá có thể tăng cường cholesterol tốt trong thời gian ngắn. Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc bổ sung các món từ cá giúp cải thiện quá trình vận chuyển và làm tăng định lượng HDL-Cholesterol. Đặc biệt, acid béo omega-3 có trong một số loại cá như: Cá thu, cá hồi.. giúp làm tăng lượng HDL-Cholesterol.
Thực phẩm chứa chất chống oxy hóa
Những loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như: Socola đen, dâu, bơ, các loại hạt, cải xoăn, củ cải và rau bina có tác dụng tăng HDL-Cholesterol, giảm nguy cơ đột quỵ, suy tim.