Cập nhật cách chăm sóc bệnh nhân rối loạn lipid máu là yếu tố cực kỳ quan trọng. Ngày nay, nhiều người vẫn còn thiếu kiến thức về bệnh, khiến quá trình điều trị trở nên phức tạp. Vậy, đâu là những điều chỉnh đúng đắn và cần thực hiện đối với người bị rối loạn lipid máu. Nếu bạn đang quan tâm đến chủ đề này, đừng bỏ lỡ thông tin có trong bài viết sau!
Rối loạn lipid máu là gì?
Theo thống kê mới nhất của Viện Dinh dưỡng Việt Nam, hơn 29% người Việt trưởng thành bị rối loạn lipid, tỷ lệ này ở dân thành thị còn lên tới 44,3%. Đây là một trong những tình trạng rối loạn chuyển hóa khá phổ biến và đang có xu hướng trẻ hóa.
Rối loạn lipid máu là tình trạng bất thường của các chỉ số mỡ máu. Bình thường, lipid (mỡ) được gan sản xuất từ việc tổng hợp đường, đạm trong cơ thể (80%) và nguồn thực phẩm tiêu thụ hàng ngày (20%). Lipid sau khi được gan sản sinh sẽ di chuyển theo máu đến các mô, tế bào để thực hiện nhiều chức năng quan trọng như: Cung cấp năng lượng cho cơ thể, xây dựng nên tế bào, mô, sản sinh hormone,…
Rối loạn lipid máu
Gan; Mạch máu; Mô, tế bào được ví như 3 bình thông nhau chứa lipid. Nếu gan sản xuất quá nhiều hoặc quá trình tiêu thụ lipid tại mô, tế bào kém thì mỡ sẽ ứ trệ tại máu, gây rối loạn lipid máu.
Biến chứng nguy hiểm của rối loạn lipid máu?
Rối loạn lipid máu khiến nồng độ LDL-cholesterol tăng cao, kết hợp với các chất khác trong máu hình thành những mảng bám, tạo ra cục máu đông ngăn chặn máu tới các cơ quan trong cơ thể hoặc vỡ ra. Hiện tượng này sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm:
- Xơ vữa động mạch: Xơ vữa động mạch là một trong những biến chứng thường gặp của mỡ máu cao (chiếm khoảng 30%). Đây là hiện tượng xảy ra khi LDL-cholesterol (một thành phần mỡ máu) lắng đọng và bám vào thành động mạch, gây ra các mảng bám. Lâu dần, mảng bám dày lên và làm hẹp lòng mạch, khiến máu chảy qua khó khăn, từ đó gây biến chứng nguy hiểm khác.
- Nhồi máu cơ tim: Tỷ lệ người bị nhồi máu cơ tim do máu nhiễm mỡ tăng đột biến trong những năm gần đây, trung bình năm sau cao hơn năm trước 15 - 20%. Tình trạng này do mạch máu đến tim bị xơ vữa, tim không nhận đủ lượng máu cần thiết, khiến mô tim tổn thương, dẫn đến đau tim, nhồi máu cơ tim.
- Đột quỵ: Ở Việt Nam, có 200.000 người mắc bệnh đột quỵ não mỗi năm và 50% trong số đó tử vong có liên quan trực tiếp đến bệnh mỡ máu cao. Đây là tình trạng nguy hiểm, xảy ra khi mạch máu đến não bị xơ vữa, hình thành cục máu đông chặn ngang mạch máu đến não, từ đó làm chết các tế bào não và gây đột quỵ.
Học ngay cách chăm sóc bệnh nhân rối loạn lipid máu
Đa số các trường hợp bị rối loạn lipid máu đều sở hữu lối sống thiếu lành mạnh. Vì vậy, ngoài việc sử dụng thuốc cần thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, kết hợp luyện tập thể dục thường xuyên để tăng hiệu quả của quá trình điều trị.
1. Thực hiện chế độ ăn uống phù hợp
Điều chỉnh chế độ ăn uống luôn là việc cần làm để điều trị rối loạn lipid máu. Những thay đổi liên quan đến chế độ ăn uống giúp kiểm soát nồng độ lipid máu bao gồm:
- Loại bỏ các thực phẩm như: Bơ thực vật; Bắp rang bơ; Các loại bánh nướng, Cookie; Khoai tây chiên; Thịt xông khói; Thịt chế biến sẵn, mì gói, đồ hộp…
- Tăng lượng chất xơ, đặc biệt là chất xơ hòa tan từ thực phẩm như: Rau lá xanh; Các loại đậu; Hạt chia, hạt lanh; Khoai lang, bí đao; Quả mọng, táo, lê và các loại trái cây khác.
- Tránh thực phẩm và đồ uống chứa đường và cồn như: Soda, nước ngọt, các sản phẩm từ sữa ngọt,...
- Bổ sung các loại cá như: Cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá trích,… vào khẩu phần ăn từ 2 - 4 lần/tuần để tăng lượng axit béo omega-3.
- Điều chỉnh mức calo hợp lý giúp bạn duy trì chỉ số cơ thể lý tưởng dựa trên chiều cao và vóc dáng của bạn.
2. Tăng cường luyện tập thể dục
Hoạt động thể chất là một trong những cách giúp giảm viêm, điều chỉnh hormone và mức cân nặng. Tập thể dục giúp làm giảm LDL-cholesterol, triglycerid. Một số nghiên cứu chỉ ra, nồng độ TG có thể giảm 30 % nếu bạn thường xuyên tập luyện thể dục.
3. Tích cực điều trị các vấn đề sức khỏe
Điều trị rối loạn lipid máu bao gồm điều chỉnh các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, chẳng hạn như: Huyết áp cao hoặc bệnh tiểu đường. Thay đổi lối sống được coi là bước đầu tiên để phục hồi mọi vấn đề sức khỏe. Các thay đổi có thể bao gồm: Tập thể dục, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thảo dược.
4. Hạn chế sử dụng chất kích thích
Bỏ hút thuốc, hạn chế rượu bia và các chất kích thích là điều kiện quan trọng để phòng ngừa và điều trị rối loạn lipid máu. Những thói quen này góp phần tích cực trong việc loại bỏ những vấn đề sức khỏe như: Bệnh tiểu đường, các vấn đề về gan, thận,... - đây là những thủ phạm làm cho tình trạng rối loạn lipid máu trở nên phức tạp hơn.