Cholesterol toàn phần là một trong các chỉ số mỡ máu cần được kiểm tra để đánh giá tình trạng bệnh máu nhiễm mỡ của bạn. Nếu cholesterol toàn phần tăng quá cao sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe. Do đó, để giúp bạn đọc hiểu rõ khái niệm về cholesterol toàn phần và các cách giúp kiểm soát tốt chỉ số này, mời bạn tham khảo nội dung bài viết sau đây.
Cholesterol toàn phần là gì?
Cholesterol là chất cần thiết cho cơ thể, tham gia vào thành phần cấu tạo của màng tế bào và quá trình tổng hợp của nhiều hormon steroid và acid mật. Có nhiều loại cholesterol. Tính chất chung của cholesterol là không tan trong nước, do đó nó luôn liên kết với protein để có thể di chuyển được trong máu, gọi là các lipoprotein.
Tổng lượng cholesterol toàn phần có thể được xác định theo hai cách. Một là đo trực tiếp trong máu, hoặc phổ biến hơn được định lượng từ các thành phần cholesterol. Việc tính toán dựa trên hai dạng chính của cholesterol: HDL cholesterol (lipoprotein mật độ cao) và LDL cholesterol (lipoprotein mật độ thấp) – và một phần nhỏ của triglyceride.
Cholesterol toàn phần được tính bằng công thức: LDL cholesterol + HDL cholesterol + 20% Triglyceride.
Theo các chuyên gia, bất kỳ một trong ba thành phần này có thể làm lệch chỉ số cholesterol toàn phần, cụ thể bao gồm:
- HDL cholesterol: Lipoprotein mật độ cao là một dạng cholesterol bảo vệ, giúp loại bỏ các cholesterol có hại khỏi dòng máu trước khi chúng gây tổn thương cho các mạch máu và đưa cholesterol về gan để thải ra ngoài. Quá trình này mang lại cho nó biệt danh “cholesterol tốt”.
- LDL cholesterol: Lipoprotein mật độ thấp là một loại cholesterol nguy hiểm tiềm tàng, có thể bị oxy hóa – quá trình làm cho nó không ổn định và có khả năng gây ra thiệt hại dẫn đến xơ vữa động mạch. Nếu LDL cholesterol tích tụ và lớn dần trong mạch máu, nó có thể dẫn đến tắc nghẽn và gây ra các biến cố tim mạch nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim hay đột quỵ. Do đó, LDL được gọi là “cholesterol xấu”.
- Triglyceride: Hay còn gọi là chất béo trung tính là một dạng chất béo mà cơ thể chúng ta vẫn tiêu thụ mỗi ngày. Triglyceride là một trong những thành phần chủ yếu của mỡ động vật, thực vật. Sau khi cơ thể tiêu hóa triglyceride sẽ được tiêu thụ dưới dạng năng lượng tế bào lúc di chuyển trong mạch máu.
3 cách kiểm soát chỉ số cholesterol toàn phần
Cholesterol toàn phần ở mức cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Để có thể kiểm soát chỉ số này ở mức lý tưởng, bạn có thể áp dụng các biện pháp dưới đây.
Tăng chất xơ hòa tan
Chất xơ hòa tan có thể làm giảm sự hấp thụ cholesterol vào máu của bạn. Hầu hết nó được tìm thấy trong các loại thực phẩm như: Bột yến mạch, đậu tây, rau mầm, táo và lê,....
Tập thể dục
Tập thể dục đều đặn có thể cải thiện cholesterol. Ngoài ra, hoạt động thể chất vừa phải cũng giúp tăng cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL- cholesterol có lợi). Các chuyên gia khuyến cáo rằng, bạn nên dành ra 30 phút mỗi ngày, tập thể dục 5 lần một tuần hoặc hoạt động aerobic trong 20 phút (ba lần một tuần) để giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể.
Giảm cân
Chỉ cần dư vài cân cũng có thể làm tăng cholesterol. Bạn nên xem xét và bắt đầu thay đổi cách ăn uống để cải thiện lượng cholesterol xấu trong máu. Nếu bạn uống đồ có đường, hãy chuyển sang sử dụng nước lọc. Ăn nhẹ với bỏng ngô hoặc bánh quy, nhưng bạn cần chú ý tới lượng calo của chúng. Ngoài ra, bạn có thể thử sherbet- loại nước giải khát bằng trái cây hoặc các loại kẹo có ít hoặc không có chất béo, điều này sẽ giúp bạn giảm cân.
Hoàng Linh