Chất lượng cuộc sống cải thiện, nhu cầu ăn uống dư thừa, khiến nhiều người có chung câu hỏi: “Khi bị mỡ máu cao uống thuốc gì để cải thiện chỉ số tốt nhất”. Hiện nay, cụm từ “mỡ máu cao” đang trở nên quá quen thuộc, thậm chí bệnh có xu hướng trẻ hóa. Để giúp bạn giải đáp thắc mắc trên, bạn hãy tham khảo nội dung có trong bài viết sau đây!
Mỡ máu cao là gì?
Mỡ máu là tên gọi thông thường của lipid máu, bao gồm nhiều thành phần khác nhau, trong đó quan trọng nhất là cholesterol. Mỡ máu cao hay còn gọi là rối loạn mỡ máu, rối loạn lipid máu thực chất là tình trạng rối loạn chuyển đổi chất béo trong cơ thể, khiến hàm lượng chất béo trong máu quá cao, được biểu hiện khi cholesterol xấu tăng lên (> 4,12mmol/L) và cholesterol tốt giảm đi (< 1 mmol/L).
Nguyên nhân gây mỡ máu cao
Nguyên nhân gây mỡ máu cao rất đa dạng. Nó có thể đến từ các yếu tố nguyên phát (di truyền), thứ phát (chế độ ăn uống, lối sống) và một số nguy cơ rủi ro. Cụ thể bao gồm:
- Yếu tố nguyên phát
Rối loạn mỡ máu nguyên phát là tình trạng lipid bất thường gây ra bởi một gen đột biến hoặc gen di truyền từ một hay cả hai bố mẹ. Các gen khiếm khuyết có thể gây ra sự thanh thải bất thường lipid hoặc làm thay đổi cách thức một số lipid được tạo ra trong cơ thể. Nếu rối loạn lipid máu xảy ra trong gia đình, đó thường là do di truyền. Những người mắc chứng rối loạn mỡ máu nguyên phát liên quan đến tăng LDL-cholesterol có nguy cơ cao bị xơ vữa động mạch sớm trong đời, dẫn đến bệnh tim mạch ngay khi còn trẻ.
- Yếu tố gây mỡ máu cao thứ phát
Một số nguyên nhân gây mỡ máu cao thuộc nhóm thứ phát bao gồm: Béo phì, đặc biệt là béo bụng; Mắc bệnh tiểu đường, suy giáp; Nghiện rượu; Hội chứng buồng trứng đa nang; Hội chứng chuyển hóa; Tiêu thụ quá nhiều chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa; Hội chứng Cushing; Bệnh viêm ruột; Nhiễm trùng nặng, chẳng hạn như HIV; Phình động mạch chủ bụng,...
Nghiện rượu là nguyên nhân gây mỡ máu cao
Ngoài ra, các yếu tố rủi ro gây mỡ máu cao bao gồm: Lười vận động; Hút thuốc lá; Sử dụng một số loại thuốc; Mắc bệnh thận hoặc gan mạn tính; Tuổi già,…
Khi bị mỡ máu cao uống thuốc gì?
Lựa chọn các loại thuốc phù hợp là yếu tố quan trọng giúp rút ngắn quá trình điều trị bệnh mỡ máu cao. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào tình trạng và thể chất của từng người. Dưới đây là danh sách các loại thuốc giúp hạ mỡ trong máu.
Thuốc nhóm statins
Đây là nhóm thuốc được ưu tiên sử dụng trong điều trị rối loạn lipid máu vì giúp làm giảm LDL-cholesterol và tăng HDL-cholesterol. Bên cạnh đó, nó có thể làm ổn định mảng xơ vữa, đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa và điều trị xơ vữa động mạch. Các nghiên cứu lâm sàng đều chứng minh được lợi ích của statins trong việc làm giảm nguy cơ hoặc ngăn ngừa nguy cơ tái phát bệnh tim mạch. Một số thuốc thuộc nhóm này bao gồm: Atorvastatin (Lipitor); Fluvastatin (Lescol); Rosuvastatin Calcium (Crestor); Simvastatin (Zocor)...
Thuốc ức chế hấp thu cholesterol
Nhóm thuốc này làm giảm lượng cholesterol bằng cách giảm hấp thu từ ruột non. Thuốc chủ yếu được sử dụng hỗ trợ liệu pháp statins cho những người cần giảm nồng độ LDL-cholesterol máu. Thuốc hiện có là Ezetimibe (Zetia) giúp ức chế hấp thu cholesterol ở ruột, làm giảm sự vận chuyển cholesterol từ ruột tới gan, dẫn đến giảm dự trữ cholesterol tại gan và tăng cường đào thải cholesterol ra khỏi máu.
Ezetimibe (Zetia) giúp ức chế hấp thu cholesterol ở ruột
Thuốc gắn kết với acid đường mật
Thuốc nhóm này là loại nhựa trao đổi ion gắn với acid mật, tạo phức hợp không hấp thu qua đường tiêu hóa, làm giảm lượng acid mật được vận chuyển về gan, do đó làm tăng ly giải cholesterol. Bởi trong quá trình tiêu hóa, các tế bào gan tổng hợp nên acid mật từ cholesterol, sau đó bài tiết vào ruột non. Một số loại thuốc hiện có là: Cholestyramine; Colestipol (Colestid).
Thuốc nhóm Fibrate
Đây là nhóm thuốc làm giảm triglyceride hiệu quả và có thể làm tăng HDL-Cholesterol. Thuốc này có thể phối hợp với thuốc nhóm statins để điều trị một số rối loạn lipid máu hỗn hợp. Một số thuốc bao gồm: Gemfibrozil (Lopid); Fenofibrate (Antara, Lofibra, Tricor, Triglide).
Thuốc nhóm Fibrate dùng điều trị rối loạn lipid máu hỗn hợp
Niacin (nicotinic acid)
Niacin là thuốc thuộc nhóm không kê đơn, với cơ chế tác động qua trung gian gan khi tổng hợp chất béo. Đây là nhóm thuốc làm tăng HDL-cholesterol và thường được dùng phối hợp với thuốc nhóm statins. Tuy nhiên, khi dùng thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ như: Đau đầu, chóng mặt, da bừng đỏ,...
Linh Nga