Tình trạng rối loạn lipid máu ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó số người bị rối loạn lipid máu nguyên phát chiếm tỷ lệ không nhỏ. Vậy, làm thế nào để phát hiện và điều trị rối loạn lipid máu hiệu quả? Tìm hiểu ngay trong bài viết sau!
Rối loạn lipid máu là gì?
Rối loạn lipid máu (máu nhiễm mỡ, mỡ máu cao) là thuật ngữ chỉ tình trạng các chỉ số mỡ máu cao hoặc thấp hơn ngưỡng an toàn cho phép.
Mỡ máu có các thành phần bao gồm: Cholesterol và triglyceride. Cholesterol lại gồm 2 loại:
- Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL-cholesterol): Còn được gọi là cholesterol “xấu” bởi nếu quá cao, nó có thể gây xơ vữa động mạch, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim,…
- Lipoprotein tỷ trọng cao (HDL-cholesterol): Đây còn được gọi là cholesterol “tốt” bởi nó giúp đào thải LDL-cholesterol dư thừa ra khỏi cơ thể.
Muốn biết có bị rối loạn lipid máu hay không, cần căn cứ vào 4 chỉ số: LDL-cholesterol, HDL-cholesterol, triglyceride và cholesterol toàn phần (HDL+ LDL+ (Triglyceride x 0.20).
Bảng chỉ số mỡ máu
Bạn sẽ bị mỡ máu khi có một hoặc nhiều tình trạng sau:
- LDL-cholesterol > 4,1 mmol/L
- HDL-cholesterol < 1 mmol/L
- Triglyceride > 2,3 mmol/L
- Cholesterol toàn phần > 6,2 mmol/L
Triệu chứng rối loạn lipid máu ban đầu thường mơ hồ, không rõ ràng, thậm chí nhiều người còn không biết mình bị bệnh. Nếu để lâu không được điều trị, bệnh có thể gây xơ vữa động mạch, lúc này người mắc sẽ cảm nhận rõ hơn tình trạng: Đau đầu, chóng mặt, đau tim, tê bì chân tay,…
Rối loạn lipid máu nguyên phát là gì?
Rối loạn lipid máu nguyên phát là nguyên nhân ở gen, di truyền không thể khắc phục và thay đổi được. Một số yếu tố bao gồm:
- Do di truyền: Thiếu hụt men lipase, rối loạn gen chuyển hóa HDL cholesterol…
- Do đột biến gen: Làm tăng tổng hợp quá mức hoặc giảm thanh thải cholesterol, triglyceride, LDL-cholesterol.
- Tăng triglyceride tiên phát: Đây là bệnh cảnh di truyền theo gen lặn, bệnh gây gan lách lớn, cường lách, thiếu máu giảm tiểu cầu, nhồi máu lách, viêm tụy cấp…
- Tăng lipid máu hỗn hợp: Đây là tình trạng di truyền, do trong gia đình có nhiều người cùng mắc bệnh. Tăng lipid máu hỗn hợp có thể do tăng tổng hợp hoặc giảm thoái biến các lipoprotein. Các triệu chứng lâm sàng như béo phì, ban vàng, kháng insulin, đái tháo đường type 2, tăng acid uric máu…
Ngoài nguyên nhân nguyên phát như trên, rối loạn lipid máu còn do một số nguyên nhân thứ phát như:
- Chế độ ăn uống thiếu khoa học: Ăn nhiều thịt đỏ, thực phẩm chứa chất béo, đồ chiên rán, sử dụng nhiều thực phẩm chứa cholesterol như nội tạng động vật,... uống nhiều rượu,…
- Ít vận động.
- Mắc một số bệnh như: Bệnh thận, đái tháo đường, suy giáp,…