Rối loạn lipid máu và nguy cơ bệnh tim mạch là vấn đề được nhiều người mắc quan tâm bởi đây là tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của người mắc. Vậy, thực chất tình trạng này như thế nào và làm sao để ngăn ngừa nó? Hãy tìm hiểu trong bài viết sau!
Rối loạn lipid máu là gì?
Rối loạn lipid máu (mỡ máu cao, máu nhiễm mỡ, bệnh mỡ máu) là tình trạng ngày càng phổ biến hiện nay và có xu hướng trẻ hóa. Đây là một trong những rối loạn chuyển hóa, khiến cho các chỉ số mỡ máu tăng lên, gây hại cho sức khỏe.
4 chỉ số mỡ máu bao gồm:
- LDL-cholesterol (loại xấu): Đây là thành phần được coi là “xấu” của cholesterol, bởi khi lượng LDL tăng nhiều trong máu sẽ dẫn đến sự dễ dàng lắng đọng ở thành mạch máu (đặc biệt ở tim và ở não), gây nên mảng xơ vữa động mạch. Mảng xơ vữa này được hình thành, dần dần gây hẹp hoặc tắc mạch máu, có thể vỡ ra đột ngột làm tắc cấp mạch máu, dẫn đến những bệnh nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ não.
- HDL-cholesterol (loại tốt): Loại này chiếm khoảng 1/4 - 1/3 cholesterol toàn phần trong máu. HDL-cholesterol được cho là loại tốt bởi nó vận chuyển cholesterol từ máu trở về gan hoặc đưa chúng ra khỏi mảng xơ vữa thành mạch máu. Do đó, nó làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch cũng như các biến cố tim mạch trầm trọng khác.
- Triglyceride: Triglyceride cũng là một dạng mỡ trong cơ thể. Tăng triglyceride thường gặp ở những người béo phì/thừa cân, lười vận động, hút thuốc lá, đái tháo đường, uống quá nhiều rượu,... Các nhà khoa học cho thấy, việc tăng triglyceride trong máu cũng có thể liên quan đến các biến cố tim mạch.
- Cholesterol toàn phần: Đây là tổng cholesterol được tính bằng công thức:
HDL + LDL + (Triglycerides x 0.20)
Rối loạn lipid máu và nguy cơ bệnh tim mạch
Tăng cholesterol máu đã được chứng minh là một yếu tố nguy cơ gây nên các bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não).
Thông thường, có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch hay đi kèm nhau và thúc đẩy nhau tiến triển. Khi bạn có nhiều yếu tố nguy cơ kết hợp sẽ làm nguy cơ bệnh tim mạch tăng lên gấp nhiều lần. Quá nhiều LDL-cholesterol lưu thông trong máu sẽ lắng đọng vào thành mạch máu. Cùng với một số chất khác, nó sẽ hình thành mảng xơ vữa động mạch và làm lòng mạch bị hẹp dần hoặc tắc hoàn toàn.
Xơ vữa động mạch là thuật ngữ được dùng để mô tả quá trình lắng đọng các chất béo, cholesterol, calci và sợi đông máu (fibrin) ở trong thành động mạch. Quá trình xơ vữa động mạch gia tăng theo tuổi, liên quan đến yếu tố gia đình và ở một số người có các nguy cơ tim mạch khác (ngoài việc rối loạn lipid máu) như: Đái tháo đường, béo phì, hút thuốc lá, tăng huyết áp,… Đây là tình trạng nguy hiểm bởi mảng xơ vữa rất hay gặp ở các động mạch nuôi dưỡng những cơ quan trọng yếu của cơ thể như động mạch vành (nuôi tim) và động mạch não.
Xơ vữa động mạch hình thành từ việc tổn thương lớp nội mạc mạch máu (lớp tế bào lót trong lòng mạch), dẫn tới sự thâm nhập của cholesterol và các thành phần khác của xơ vữa động mạch vào trong thành mạch máu. Các nguy cơ dễ dẫn đến tổn thương lớp nội mạc là: Tăng cholesterol và triglyceride trong máu, tăng huyết áp, hút thuốc lá,…
Một khi nội mạc mạch máu bị tổn thương, các chất béo (cholesterol), tiểu cầu máu, chất thải tế bào, calci,… sẽ thâm nhập vào thành mạch, kích thích tế bào thành mạch tiết ra các chất khác, dẫn tới sự hình thành nhiều mảng xơ vữa động mạch.
Phác đồ điều trị rối loạn lipid máu
Rối loạn lipid máu là một trong những nguy cơ hàng đầu gây bệnh tim mạch. Mỗi năm, thế giới có khoảng 17 triệu người chết vì các bệnh tim mạch mà đa số là liên quan đến xơ vữa động mạch. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng bởi bạn hoàn toàn có thể khống chế được lượng cholesterol và giảm được các yếu tố nguy cơ.
Việc khống chế, điều trị rối loạn lipid máu là quá trình liên tục, suốt đời với mục tiêu là ngăn ngừa tối đa các biến cố tim mạch. Sau đây là những lời khuyên bổ ích để bạn tham khảo:
- Thay đổi lối sống: Những yếu tố có thể thay đổi ảnh hưởng lớn đến rối loạn lipid máu là: Chế độ ăn uống, cân nặng, tập thể dục, hút thuốc lá,… Do vậy, bạn cần:
+ Chế độ ăn uống khỏe mạnh, hợp lý.
+ Tập thể dục đều đặn hàng ngày.
+ Loại bỏ các thói quen có hại: Hút thuốc lá, uống quá nhiều rượu,…
- Chế độ ăn uống: Bạn cần hạn chế các loại thực phẩm sau:
+ Chất béo bão hòa (no): Thường có trong thức ăn nguồn gốc động vật (đặc biệt ở mỡ động vật như thịt bò, mỡ bò, mỡ lợn, thịt cừu, thịt gia cầm béo, bơ, kem, pho mát,... hay ở một số thực vật như sữa dừa, dầu dừa, dầu cọ, hạnh nhân,...
+ Chất béo không bão hòa dạng trans: Chất này có thể thấy trong thịt lợn, thịt bò, bơ béo hoặc trong các thức ăn chế biến sẵn như mì ăn liền (loại có chiên tẩm), đồ ăn nhanh, đồ ăn đóng sẵn có chiên rán,…
+ Thức ăn nhiều cholesterol: Có nhiều trong lòng đỏ trứng, phủ tạng động vật,…
- Chế độ tập luyện: Chế độ tập luyện khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý tốt hàm lượng lipid trong máu. Tập luyện giúp đốt bớt mỡ dư thừa trong cơ thể, giảm cân hiệu quả, tăng sức đề kháng, điều chỉnh được các nguy cơ khác đi kèm như ổn định huyết áp, giảm nguy cơ đái tháo đường và tăng hoạt tính insulin. Chế độ luyện tập mà bạn nên áp dụng là: Tập ít nhất 30 phút mỗi ngày; Tập đều đặn, tất cả các ngày trong tuần; Tập đủ mạnh, vừa đủ ra mồ hôi.
- Bỏ những thói quen có hại: Bỏ hút thuốc lá; Hạn chế uống bia, rượu; Giảm cân nếu bạn thừa cân/béo phì; Tránh căng thẳng,…
- Sử dụng thuốc điều trị rối loạn lipid máu: Bạn cần đi khám tại các cơ sở y tế để được chuyên gia tư vấn phác đồ và chỉ định thuốc điều trị phù hợp.