Rối loạn lipid máu là bệnh lý phổ biến nhưng cũng vô cùng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và có hướng điều trị kịp thời. Cùng tìm hiểu ngay về những thông tin hữu ích nhất liên quan đến rối loạn lipid máu.

Rối loạn lipid máu là gì?

Rối loạn lipid máu (rối loạn mỡ máu) là tình trạng các thành phần mỡ máu vượt khỏi ngưỡng bình thường của cơ thể. Bao gồm sự tăng các chỉ số như cholesterol toàn phần, triglyceride, LDL- cholesterol và sự giảm của HDL- cholesterol.
Rối loạn lipid máu là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh lý nguy hiểm như máu nhiễm mỡ, xơ vữa động mạnh, bệnh tim thiếu máu cục bộ, thiếu máu lên não,... 

Nguyên nhân gây rối loạn lipid máu

Rối loạn lipid máu là bệnh lý phổ biến ở người cao tuổi, có nguyên nhân do yếu tố di truyền hoặc lối sống thiếu lành mạnh. Tuy nhiên, chế độ sinh hoạt là nguyên nhân chính dẫn đến trình trạng rối loạn mỡ máu trên hầu hết bệnh nhân. Bao gồm:

  • Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học: Ăn quá nhiều đồ chiên xào, thịt đỏ, mỡ động vật, đồ ăn nhanh với hàm lượng chất béo bão hòa, cholesterol xấu cao. Gây tăng LDL cholesterol xấu và triglycerid.
  • Thừa cân, béo phì: Người có chỉ số BMI > 30 trở lên hoặc vòng eo lớn (phụ nữ từ 89cm, nam giới từ 102cm trở lên) có nguy cơ bị rối loạn lipid máu cao hơn người có chỉ số BMI và vòng eo nằm trong giới hạn cho phép.
  • Hạn chế vận động: Tình trạng lười vận động kéo dài không chỉ gây tăng cân mà còn làm tăng lipid máu.
  • Hút thuốc lá: Trong thuốc lá có hơn 100 chất hóa học độc hại có thể làm giảm nồng độ HDL cholesterol trong máu.
  • Mắc các bệnh lý như: 

- Đái tháo đường.
- Bệnh lý về thận: Suy thận, hội chứng thận hư,...
- Bệnh lý về gan: Xơ gan, bệnh gan ứ mật,...
- Suy giáp.
- Hội chứng đa nang buồng trứng
- Hội chứng Cushing.

  • Một số loại thuốc gây rối loạn lipid máu: thiazide, thuốc chẹn beta giao cảm, corticoides, thuốc kháng retrovirus hoạt tính cao, estrogen, progestin và glucocorticoid,…

Nguyen-nhan-pho-bien-gay-roi-loan-lipid-mau

Nguyên nhân phổ biến gây rối loạn lipid máu

>>> Xem thêm: 10 dấu hiệu máu nhiễm mỡ có thể bạn chưa biết! Tìm hiểu ngay!

Rối loạn lipid máu có thực sự nguy hiểm?

Rối loạn lipid máu là bệnh lý khá nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong cho bệnh nhân. Khi nồng độ LDL cholesterol tăng cao sẽ kết hợp với các thành phần khác trong máu tạo thành các mảng xơ vữa trong lòng mạch. Các mảng xơ vữa tích tụ lâu ngày gây cản trở sự lưu thông của dòng máu. 

Một số trường hợp, các mảng bám có thể bị vỡ, rách và hình thành lên cục máu đông, ngăn cản quá trình vận chuyển máu đến các cơ quan khác. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến các biến chứng nguy hiểm bao gồm:

  • Bệnh tim mạch vành.
  • Đột quỵ.
  • Bệnh động mạch ngoại biên gây rối loạn chức năng vận động làm giảm vận động thậm chí là liệt và có nguy cơ phải cắt bỏ các chi nếu không được điều trị kịp thời.
  • Tăng huyết áp.

Triệu chứng bệnh rối loạn lipid máu

Ở giai đoạn đầu, rối loạn lipid máu thường không có triệu chứng điển hình nên thường gặp khó khăn trong việc chẩn đoán bệnh qua thăm khám lâm sàng. Tuy nhiên rối loạn lipid máu có thể dẫn tới các triệu chứng lâm sàng của bệnh lý mạch máu, điển hình là bệnh động mạch vành, bệnh động mạch ngoại vi… với các triệu chứng sau:  

  • Xuất hiện các nốt ban vàng dưới da.
  • Xuất hiện các triệu chứng về tim mạch: đau thắt ngực, tức ngực, khó thở, tim đập nhanh. 
  • Xuất hiện tình trạng tê bì chân tay, đau buốt, cảm thấy đau chân khi đi bộ hoặc đứng lâu.
  • Sưng ở chân, mắt cá chân, bàn chân, bụng và tĩnh mạch cổ.
  • Xuất hiện triệu chứng của rối loạn tiêu hóa: Ăn uống đầy bụng, khó tiêu, ợ chua, buồn nôn, nôn.
  • Khó ngủ và cảm thấy kiệt sức vào ban ngày.

Nhung-trieu-chung-canh-bao-roi-loan-lipid-mau

Những triệu chứng cảnh báo rối loạn lipid máu

Hướng dẫn điều trị rối loạn lipid máu an toàn - hiệu quả

Sau khi được chẩn đoán rối loạn lipid máu thông qua các xét nghiệm tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Bệnh nhân cần tiến hành điều trị ngay theo chỉ định của bác sĩ để hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra bằng việc phối hợp giữa các biện pháp điều trị.

Sử dụng thuốc tây y trong điều trị rối loạn lipid máu

Các thuốc tây y được sử dụng trong điều trị rối loạn lipid máu hiện nay gồm các nhóm phổ biến như:

  • Nhóm statin:

Với tác dụng ức chế enzym HMG-CoA reductase (enzym có tác dụng tổng hợp cholesterol), nhóm statin làm giảm nồng độ cholesterol toàn phần. Ngoài ra, nhóm statin còn giúp tăng thu giữ LDL cholesterol tại gan, vì vậy làm giảm nồng độ LDL cholesterol trong máu. Các hoạt chất phổ biến trong nhóm gồm atorvastatin, rosuvastatin, simvastatin,....
Nhóm statin thường được chỉ định sử dụng trong trường hợp rối loạn lipid máu có tăng LDL cholesterol, tăng cholesterol toàn phần. Dù có hiệu quả cao trong điều trị, tuy nhiên một số tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng nhóm statin gồm: tăng men gan, tăng men cơ,...

  • Nhóm fibrate:

Là nhóm thuốc có tác dụng làm giảm triglycerid do cơ chế kích thích PPAR alpha làm tăng oxy hóa acid béo. Do đó thuốc làm tăng thanh thải các lipoprotein giàu triglyceride gây giảm nồng độ triglyceride trong máu. Ngoài ra, nhóm fibrate còn có tác dụng tăng thanh thải VLDL, làm giảm nồng độ cholesterol xấu và tăng nồng độ cholesterol tốt trong máu. Hoạt chất phổ biến trong nhóm gồm: Gemfibrozil,  clofibrate, fenofibrate.
Nhóm fibrate thường được chỉ định trong điều trị rối loạn lipid máu có tăng triglycerid. Một số tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng nhóm fibrate bao gồm: rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng như đầy hơi, trướng bụng, buồn nôn, suy giảm chức năng gan, tăng men gan, sỏi mật,...

>>> Xem thêm: Ưu, nhược điểm của 4 nhóm thuốc điều trị rối loạn lipid máu phổ biến hiện nay

  • Nhóm acid nicotinic (Niacin, vitamin PP):

Nhóm acid nicotinic có tác dụng làm giảm nồng độ triglyceride trong máu do can thiệp vào quá trình tổng hợp triglycerides ở gan. Ngoài ra, niacin có tác dụng ức chế tổng hợp và ester hóa acid béo tại gan, vì vậy làm giảm nồng độ LDL cholesterol trong máu và tăng HDL do làm giảm thanh thải apoA-I. 
Nhóm acid nicotinic được chỉ định điều trị rối loạn lipid máu có tăng LDL cholesterol, giảm HDL cholesterol hoặc tăng triglycerides. Tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng niacin trong điều trị rối loạn lipid máu như: Gây đỏ phừng mặt, ngứa, phát ban da, rối loạn tiêu hóa, sỏi mật, giảm nhẹ chức năng gan, tăng men gan, tăng men cơ, ...

  • Nhóm Resin:

Nhóm resin có tác dụng làm giảm nồng độ LDL cholesterol trong máu thông qua cơ chế tăng tổng hợp acid mật từ cholesterol, tăng bài tiết mật. Vì vậy, làm hạ cholesterol ở gan, gây kích thích tổng hợp ra các thụ thể LDL cholesterol và, làm tăng quá trình thải trừ LDL cholesterol. Một số hoạt chất thường dùng trong nhóm gồm: Cholestyramin, colestipol, colesevelam,...

Nhóm resin được chỉ định sử dụng trong điều trị rối loạn lipid máu do tăng LDL cholesterol. Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp phải khi sử dụng thuốc như: đầy hơi, trướng bụng, táo bón,...

Ngoài ra trong điều trị rối loạn lipid máu có thể sử dụng thêm nhóm Ezetimibe trong trường hợp có tăng LDL cholesterol hoặc Omega 3 trong trường hợp có tăng triglycerid.

Thuoc-tay-y-trong-dieu-tri-roi-loan-lipid-mau

Thuốc tây y trong điều trị rối loạn lipid máu

Thuốc đông y trong hỗ trợ điều trị rối loạn lipid máu

Nếu như sử dụng thuốc tây y có nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân thì thuốc đông y, thảo dược hiện đang là lựa chọn an toàn trong hỗ trợ điều trị rối loạn lipid máu. Nhiều thảo dược như lá sen, tỏi,... đã được chứng minh có hiệu quả cao trong việc đưa các chỉ số mỡ máu về ngưỡng bình thường. Tuy nhiên, cần sử dụng liên tục trong thời gian dài để thấy rõ hiệu quả.

  • Lá sen: Tác dụng của lá sen trong hỗ trợ điều trị rối loạn lipid máu đã được chứng minh trong nghiên cứu của Kyung-Seok Lee và Liyoung Lee được thực hiện tại Hàn Quốc (2011) với kết quả: Chiết xuất lá sen giúp làm giảm lượng lipid toàn phần, cholesterol và triglyceride.
  • Tỏi: Theo nghiên cứu của Sun và các cộng sự được thực hiện tại Trung Quốc (2017) đã chứng minh rằng: Tỏi có tác dụng ngăn ngừa tình trạng tăng lipid máu bằng cách giảm nồng độ cholesterol toàn phần và LDL cholesterol.
  • Trà xanh: Nghiên cứu của Xu, R., Yang, K., Li, S. và cộng sự được thực hiện tại Trung Quốc (2019) đã cho kết quả: Sử dụng trà xanh giúp giảm nồng độ LDL cholesterol và triglyceride. Ngoài ra, flavonoid có trong trà xanh cũng có tác dụng giúp hạn chế sự tích lũy cholesterol và xơ hóa mạch máu. Vì vậy giúp giảm nguy cơ bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim trên bệnh nhân rối loạn lipid máu.

Su-dung-thao-duoc-trong-ho-tro-kiem-soat-roi-loan-lipid-mau

Sử dụng thảo dược trong hỗ trợ kiểm soát rối loạn lipid máu

>>> Xem thêm: Người bị rối loạn lipid máu nên ăn gì để cải thiện bệnh tốt nhất?

Thay đổi lối sống giúp kiểm soát tình trạng rối loạn lipid máu

Lối sống, chế độ sinh hoạt có ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng rối loạn mỡ máu của bệnh nhân. Vì vậy, để phòng ngừa cũng như cải thiện tình trạng rối loạn lipid máu, cần tuân thủ thực hiện các nguyên tắc liên quan đến chế độ sinh hoạt bao gồm:

  • Bổ sung thực phẩm giàu chất béo không bão hòa: Cá các loại, các loại hạt, dầu thực vật,...
  • Bổ sung nhiều chất xơ thông qua rau quả, ngũ cốc,...
  • Nên ăn thịt nạc.
  • Hạn chế sử dụng đồ ăn nhanh: mì tô, gà rán, khoai tây chiên, các loại bánh ngọt,...
  • Hạn chế sử dụng thực phẩm có hàm lượng muối cao như: thịt muối, chả, pate, dưa muối, cà muối,...
  • Không ăn nội tạng động vật: óc, gan, tim,...
  • Hạn chế sử dụng mỡ động vật, thịt động vật chưa lọc sạch da, mỡ,...
  • Hạn chế sử dụng dầu thực vật có hàm lượng chất bão hòa cao như dầu dừa, dầu hạnh nhân, dầu cọ,..
  • Uống đủ 2-2,5 lít nước/ ngày.
  • Tập thể dục thường xuyên. Tốt nhất là 30 phút mỗi ngày và ít nhất 3 lần/tuần.
  • Bỏ hút thuốc lá.
  • Không uống rượu bia. 

Phác đồ điều trị rối loạn lipid máu cần được chỉ định và hướng dẫn bởi các chuyên gia y tế. Hy vọng với những thông tin hữu ích liên quan đến bài viết, bạn đọc sẽ chủ động hơn trong việc dự phòng, kiểm soát và điều trị bệnh để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Nếu bạn còn thắc mắc, hãy để lại bình luận để sớm nhận được sự tư vấn tận tâm từ nhãn hàng.

Tài liệu tham khảo: journals.lww.com, researchgate.net, nutritionj.biomedcentral.com, medicalnewstoday.com, msdmanuals.com