Rối loạn lipid máu là bệnh lý phổ biến ở xã hội hiện đại. Đây cũng là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến bệnh lý liên quan đến tim mạch. Vì vậy, điều trị rối loạn lipid máu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm liên quan đến hệ thống tim mạch và tuần hoàn.

Nguyên tắc điều trị rối loạn lipid máu cần biết

Rối loạn lipid máu được xác định bởi sự gia tăng bất thường của một trong số những thành phần mỡ máu (tăng cholesterol, tăng LDL-cholesterol, tăng triglyceride, giảm HDL-cholesterol). Nguyên tắc điều trị rối loạn lipid máu là đưa chỉ số mỡ máu về giá trị bình thường và dự phòng các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. 
Để thực hiện được 2 mục đích trên, trong phác đồ điều trị cho bệnh nhân rối loạn lipid máu cần kết hợp giữa nhiều biện pháp như sử dụng thuốc tây y, thảo dược, thiết lập lối sống khoa học, lành mạnh.

Sử dụng thuốc tây trong điều trị rối loạn lipid máu

Trong điều trị rối loạn lipid máu, biện pháp đem lại hiệu quả nhanh nhất đó là sử dụng thuốc tây. Tuy nhiên, việc bắt đầu dùng thuốc trong phác đồ điều trị cần được chỉ định từ bác sĩ sau khi đã đánh giá tình trạng bệnh lý và sức khỏe của từng người.

Thuoc-tay-dem-lai-hieu-qua-cao-trong-dieu-tri-roi-loan-lipid-mau

Thuốc tây đem lại hiệu quả cao trong điều trị rối loạn lipid máu

Một số nhóm thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn lipid máu là:

Nhóm thuốc trị rối loạn lipid máu statin

Statin là nhóm thuốc phổ biến nhất trong phác đồ điều trị giúp hạ mỡ máu. Cơ chế của nhóm statin đó là hạn chế quá trình tổng hợp cholesterol ở tế bào thông qua việc ức chế men HMG - CoA Reductase. Do đó, statin giúp giảm cholesterol toàn phần, giảm LDL-cholesterol, triglyceride và tăng nhẹ HDL-cholesterol.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra hiệu quả của nhóm thuốc statin trong việc dự phòng đột quỵ, nhồi máu cơ tim trên người bệnh mạch vành và giảm thiểu đáng kể các ca phẫu thuật tim liên quan đến bệnh tim mạch.
Một số thuốc thuộc nhóm statin phổ biến: Lovastatin, Pravastatin, Simvastatin, Fluvastatin, Atorvastatin, Rosuvastatin,... Một số tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân trong quá trình sử dụng statin để điều trị rối loạn lipid mà bệnh nhân cần lưu ý như rối loạn tiêu hóa, tăng men gan, đau cơ,...

>>> Xem thêm: Chế độ ăn cho người máu nhiễm mỡ để kiểm soát bệnh hiệu quả!

Nhóm thuốc hạ lipid máu fibrate

Nhóm fibrate có tác dụng làm giảm sản xuất triglyceride hiệu quả trong cơ thể nhờ cơ chế kích thích oxy hóa acid béo chủ yếu ở peroxisome và một phần ở ty thể. Fibrate được chỉ định sử dụng để điều trị rối loạn lipid máu trường hợp tăng triglyceride hoặc người mắc bệnh trong thời gian dài.
Các hoạt chất trong nhóm fibrate bao gồm: Fenofibrat, Ciprofibrate, Gemfibrozil, Bezafibrat,... Tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng fibrate như: Rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, đầy hơi, chướng bụng,...), sỏi mật, tăng men gan,… Cần lưu ý, fibrate chống chỉ định trên phụ nữ có thai và con bú, bệnh nhân suy thận, suy gan.

Nhóm thuốc giảm mỡ máu acid nicotinic 

Acid nicotinic hay vitamin B3 là vitamin tan trong nước, được sử dụng trong giảm mỡ máu. Cơ chế tác dụng của acid nicotinic thông qua việc ức chế gan sản xuất lipoprotein, từ đó giảm nồng độ chất béo trung tính (triglyceride), giảm lượng LDL-cholesterol và tăng HDL-cholesterol.
Tác dụng phụ bệnh nhân rối loạn mỡ máu có thể gặp phải khi dùng acid nicotinic như: Buồn nôn, tiêu chảy, vàng da, tăng men gan, tăng đường huyết,...

Acid-nicotinic-duoc-su-dung-trong-dieu-tri-giam-mo-mau

Acid nicotinic được sử dụng trong điều trị giảm mỡ máu

Một số nhóm thuốc khác 

Một số nhóm thuốc khác cũng được sử dụng trong điều trị rối loạn mỡ máu là nhóm thuốc gắn acid mật (nhóm resin) và nhóm ezetimibe.
Cơ chế nhóm resin là liên kết với acid mật từ đó tăng tổng hợp acid mật từ cholesterol, làm tăng bài tiết mật và giảm cholesterol ở gan. Đồng thời còn có tác dụng kích thích tổng hợp thụ thể LDL-cholesterol và tăng thải LDL-cholesterol. 
Tuy nhiên, resin có tác dụng là tăng nhẹ chỉ số triglyceride. Vì vậy, không sử dụng các thuốc nhóm resin trong trường hợp nồng độ triglyceride tăng cao.
Ezetimibe là nhóm thuốc có tác dụng ức chế hấp thụ cholesterol toàn phần tại ruột, làm giảm chỉ số LDL-cholesterol và tăng HDL-cholesterol. Nhóm thuốc này thường được phối hợp sử dụng cùng các thuốc bổ sung khác. Vì khi sử dụng riêng lẻ Ezetimibe thì tác dụng ức chế hấp thụ cholesterol không hiệu quả như nhóm statin.
Trong quá trình sử dụng thuốc hạ lipid máu, bệnh nhân cần bổ sung thêm sản phẩm có tác dụng hỗ trợ và bảo vệ tế bào gan vì hầu hết các thuốc điều trị đều chuyển hóa qua gan.

>>> Xem thêm: Chỉ số mỡ máu bao nhiêu là nguy hiểm? Cách dự phòng hiệu quả

Hỗ trợ điều trị rối loạn lipid máu bằng thảo dược

Nếu như việc dùng thuốc tây y là lựa chọn hàng đầu khi tình trạng tiến triển nặng thì sử dụng thảo dược là phương pháp hỗ trợ điều trị rối loạn lipid máu được nhiều người tin dùng ở giai đoạn đầu của bệnh vì tính hiệu quả và an toàn.

Su-dung-thao-duoc-giup-cai-thien-mo-mau-hieu-qua-va-an-toan

Sử dụng thảo dược giúp cải thiện mỡ máu hiệu quả và an toàn

Nhiều thảo dược giúp kiểm soát các chỉ số mỡ máu đã được áp dụng từ lâu đời và đem lại hiệu quả cao như lá sen, tỏi, cần tây, hoàng bá,... Nhằm chứng minh hiệu quả của thảo dược trong cải thiện tình trạng rối loạn lipid máu, nhiều nghiên cứu khoa học đã được tiến hành. 
Trong đó, nổi bật là nghiên cứu cho kết quả rằng: Chiết xuất lá sen có tác dụng làm giảm đáng kể nồng độ triglyceride huyết tương và cholesterol toàn phần, đồng thời nồng độ HDL-Cholesterol tăng cao hơn so với nhóm đối chứng không sử dụng lá sen thực hiện bởi Ah-Rong Kim cùng các đồng nghiệp tại Hàn Quốc (2013).

Xây dựng lối sống khỏe mạnh cải thiện rối loạn lipid máu

Chế độ dinh dưỡng và lối sống là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng rối loạn lipid máu. Đặc biệt với bệnh nhân rối loạn lipid máu giai đoạn đầu sẽ chưa cần dùng thuốc điều trị mà chỉ áp dụng việc thay đổi lối sống. Sau 6 tháng nếu không hiệu quả mới được chỉ định dùng thuốc.

Benh-nhan-roi-loan-mo-mau-can-xay-dung-mot-loi-song-lanh-manh

Bệnh nhân rối loạn mỡ máu cần xây dựng một lối sống lành mạnh

Lối sống lành mạnh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cải thiện tình trạng rối loạn lipid máu mà người bệnh cần tuân thủ thực hiện. Bao gồm:

  • Kiểm soát cân nặng, tăng cường các hoạt động thể lực.
  • Xây dựng chế độ ăn lành mạnh bằng việc bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, hoa quả. Hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều cholesterol như thịt đỏ, thịt nhiều mỡ, đồ ăn nhanh, nội tạng động vật,...
  • Hạn chế sử dụng thuốc lá.
  • Hạn chế sử dụng đồ uống chứa cồn, giới hạn cho phép khi sử dụng rượu: < 20-30g/ngày ở nam và < 10-20g/ngày ở nữ.

Điều trị rối loạn lipid máu cần được sự tư vấn từ các chuyên gia y tế, với mỗi bệnh nhân sẽ có chỉ định khác nhau. Hy vọng với những kiến thức được cung cấp trong bài viết bạn sẽ hiểu hơn về các phương pháp điều trị rối loạn lipid máu hiện nay. Nếu bạn đọc có các câu hỏi liên quan đến chủ đề trên, vui lòng để lại bình luận, chúng tôi sẽ tư vấn tận tâm nhất.
Tài liệu tham khảo: Webmd.com, healthline.com, my.clevelandclinic.org, mayoclinic.org, researchgate.net, ncbi.nlm.nih.gov