Bệnh tim mạch vành là bệnh lý tim mạch phổ biến với nguy cơ gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Làm cách nào để nhận biết, dự phòng và điều trị, kiểm soát bệnh một cách có hiệu quả. Cùng tìm hiểu ngay 5 thông tin hữu ích nhất về bệnh tim mạch vành trong bài viết sau!

Bệnh tim mạch vành là gì?

Bệnh tim mạch vành là tình trạng các mạch máu chính cung cấp máu cho tim bị tắc nghẽn bởi các mảng xơ vữa. Hậu quả là dẫn đến tình trạng cơ tim bị thiếu dưỡng khí gây ra các cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và thậm chí tổn thương tim vĩnh viễn. Bệnh tim mạch vành còn được biết đến với một số tên gọi khác như bệnh mạch vành, bệnh động mạch vành, thiếu máu cơ tim cục bộ hay bệnh tim do xơ vữa động mạch.

Bệnh tim mạch vành có thực sự nguy hiểm?

Là bệnh thường xảy ra âm thầm, bệnh tim mạch vành là bệnh lý cực kỳ nguy hiểm. Nếu không được phát hiện sớm và có hướng điều trị phù hợp, bệnh thường diễn biến nặng dần theo thời gian và có thể bị tử vong bất cứ lúc nào. Không chỉ vậy, bệnh tim mạch vành còn là nguyên nhân gây ra hàng loạt các bệnh lý tim mạch liên quan ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng sức khỏe của người bệnh:

  • Suy tim: Là biến chứng xảy ra ngay sau cơn nhồi máu cơ tim do thiếu máu cơ tim trong thời gian dài hoặc hoại tử cơ tim. Ho khan, phù, mệt mỏi và khó thở là một số các triệu chứng đi kèm biến chứng suy tim thường gặp. 
  • Rối loạn nhịp tim: Là tình trạng các cơn rung nhĩ khiến tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc hỗn hợp gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. 
  • Đau thắt ngực: Các cơn đau thắt ngực không ổn định thường xảy ra cả lúc nghỉ ngơi, gắng sức và không giảm bớt khi ngừng gắng sức là yếu tố nguy cơ chính gây nhồi máu cơ tim, đột tử cao ở người bệnh nếu không điều trị kịp thời.
  • Đột tử: Bệnh tim mạch vành có nguy cơ gây đột tử từ 30-50%.

Benh-tim-mach-vanh-co-thuc-su-nguy-hiem?

Bệnh tim mạch vành có thực sự nguy hiểm?

Nguyên nhân chính gây bệnh lý tim mạch vành

Nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch vành gồm các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được và các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được bao gồm:

Yếu tố nguy cơ không thể thay đổi:

  • Tuổi tác: Càng về già, động mạch càng dễ bị tổn thương và trở nên hẹp hơn. Nam giới trên 50 tuổi và nữ trên 55 tuổi có nguy cơ bị bệnh tim mạch vành cao hơn nhóm đối tượng khác.
  • Giới tính: Nam giới là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành cao hơn nữ giới.
  • Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình có người thân như bố, mẹ, ông, bà, anh, chị bị bệnh tim mạch mạch khi về già thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành cao hơn.

Yếu tố nguy cơ có thể thay đổi:

  • Cách bệnh lý làm tăng nguy cơ mắc tim mạch vành gồm: Huyết áp cao, rối loạn lipid máu, tiểu đường, thừa cân béo phì,... 
  • Hút thuốc lá, thuốc lào.
  • Sử dụng đồ uống chứa chất cồn, kích thích: rượu, bia, caffeine.
  • Lối sống tĩnh tại, lười vận động, ít di chuyển.
  • Bị căng thẳng, lo âu thường xuyên.
  • Chế độ dinh dưỡng không khoa học: Ăn nhiều chất béo không lành mạnh như đồ ăn chiên xào, đồ ăn nhanh, đồ ăn ngọt, nhiều muối,...

Bệnh nhân bị tim mạch vành có thể xuất phát từ 1 hoặc nhiều nguyên nhân kết hợp với nhau.

>>> Xem thêm: Hướng dẫn điều trị rối loạn lipid máu đầy đủ, chi tiết nhất!

Triệu chứng bệnh tim mạch vành

Triệu chứng thường gặp nhất trong bệnh tim mạch vành đó là các cơn đau thắt ngực hoặc khó thở khi gắng sức, đi bộ leo dốc, căng thẳng,... Cơn đau xuất hiện thoáng qua gây thắt chặt, đè ép lên lồng ngực. Một số trường hợp các cơn đau cũng có thể kéo dài từ 3-5 phút, kéo dài từ sau xương ức, ngực trái, hoặc có thể lan lên vai, cổ, cánh tay bên trái. Nếu cơn đau xảy ra vào lúc nghỉ ngơi và kéo dài trên 15 phút, nguy cơ cao bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp. Vì vậy, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay để được điều trị kịp thời. 
Bên cạnh cơn đau thắt ngực, một số triệu chứng giúp nhận biết bệnh tim mạch vành gồm: 

  • Khó thở.
  • Hụt hơi, hồi hộp.
  • Chóng mặt, hoảng hốt, đổ nhiều mồ hôi.
  • Tim đập không đều, đôi khi xuất hiện tình trạng nhịp nhanh.
  • Nặng nề, mệt, đau rát ở ngực.
  • Cảm giác nén ép tim.
  • Đầy bụng, buồn nôn, nôn.

Thông thường, các triệu chứng của bệnh tim mạch vành ở phụ nữ thường nhẹ hơn. Ngay khi cảm thấy có các triệu chứng, dấu hiệu bất thường cần chủ động thăm khám để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Trieu-chung-dien-hinh-trong-benh-tim-mach-vanh

Triệu chứng điển hình trong bệnh tim mạch vành

Hướng dẫn chăm sóc và điều trị bệnh tim mạch vành

Trong điều trị bệnh tim mạch vành, cần phối hợp giữa nhiều biện pháp để đảm bảo hiệu quả điều trị tối ưu nhất.

Điều trị bệnh tim mạch vành bằng thuốc tây y

Các thuốc tây y được sử dụng trong điều trị bệnh tim mạch vành với 2 mục đích chính gồm ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh và cải thiện lưu lượng máu đến tim. Các nhóm thuốc thường được sử dụng trong điều trị bao gồm:

  • Thuốc giãn mạch vành:

Là nhóm thuốc có vai trò làm giảm các cơn đau ngực và tăng cường tuần hoàn máu đến tim. Thuốc có cơ chế làm các mạch máu nở to ra và rộng hơn nhờ do làm giãn các tế bào cơ trơn của thành mạch. Vì vậy, thuốc có tác dụng cải thiện tốc độ máu lưu thông trong lòng mạch, giảm áp lực tác động lên thành mạch làm hạ huyết áp. Thuốc được chỉ định sử dụng trong trường hợp xuất hiện cơn đau hoặc trước khi vận động, gắng sức. Các nhóm thuốc có tác dụng giãn mạch được chỉ định trong điều trị bệnh tim mạch:

Nhóm thuốc nitrat: Glyceryl trinitrat, isosorbid dinitrat, isosorbid mononitrat,…

Nhóm thuốc đối kháng canxi: Verapamil, amlodipin, diltiazem…

Nhóm thuốc ức chế men chuyển: Captopril, enalapril, lisinopril, …

Nhóm thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II: Losartan, eprosartan, valsartan, …

Nhóm thuốc chẹn alpha: Alfuzosin, prazosin, doxazosin, …

Nhóm thuốc ức chế enzym phosphodiesterase-5: Vardenafil, sildenafil, tadalafil, …

  • Thuốc chống kết tập tiểu cầu: 

Trong điều trị bệnh tim mạch vành, thuốc chống kết tập tiểu cầu có tác dụng giảm đông máu do ngăn ngừa việc hình thành huyết khối trong lòng động mạch vành. Vì vậy, hạn chế nguy cơ xơ vữa mạch máu. Trong một số trường hợp, thuốc được chỉ định để ngăn ngừa các cơn đau tái phát.
Một số hoạt chất của nhóm gồm aspirin, prasugrel, clopidogrel,... Thuốc chỉ được sử dụng trên bệnh nhân bệnh mạch vành không bị xuất huyết tiêu hóa hoặc loét dạ dày tá tràng.

  • Thuốc chẹn beta giao cảm: 

Là nhóm thuốc có tác dụng làm giảm nhu cầu oxy của cơ tim, chậm nhịp tim thông qua đó làm hạ huyết áp và giảm áp lực lên mạch vành bị tổn thương. Nhóm thường được chỉ định với tác dụng làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim. Một số hoạt chất trong nhóm như atenolol, metoprolol, bisoprolol, propranolol,..
Ngoài sử dụng những thuốc trên để hạn chế những triệu chứng và biến chứng trên tim, trong điều trị bệnh tim mạch vành, bệnh nhân cần kết hợp điều trị các bệnh lý nền đính kèm như cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu,...

Thuoc-tay-y-giup-cai-thien-trieu-chung-va-ngan-ngua-bien-chung-benh-tim-mach-vanh

Thuốc tây y giúp cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng bệnh tim mạch vành

Sử dụng thảo dược trong hỗ trợ kiểm soát bệnh tim mạch vành

Trong hỗ trợ điều trị bệnh tim mạch vành, thảo dược thường được sử dụng với vai trò làm giảm mỡ máu, từ đó giảm thiểu nguy cơ bị xơ vữa động mạch - nguyên nhân chính gây bệnh. Một số thảo dược đem lại hiệu quả cao trong giảm mỡ máu và dễ tìm kiếm, dễ sử dụng như:

  • Lá sen: Tác dụng giảm cholesterol của lá sen đã được chứng minh thông qua nhiều nghiên cứu. Điển hình như nghiên cứu được thực hiện tại Trung Quốc (2010) bởi giáo sư Cheng – Hsun Wu và cộng sự với kết quả: Lá sen có tác dụng giảm tổng hợp cholesterol ở gan thông qua ức chế ức chế enzyme HMG-CoA cũng như giảm sự tích tụ lipid và các hoạt động tổng hợp acid béo khác.
  • Tỏi: Thành phần hợp chất sulfide trong tỏi có tác dụng ức chế sự hấp thu cholesterol qua màng ruột, đào thải cholesterol dư thừa qua đường bài tiết. Vì vậy, tỏi là dược liệu có tác dụng hạ mỡ máu hiệu quả.
  • Cần tây: Trong cần tây có chứa một số thành phần đem lại hiệu quả cao trong giảm mỡ máu như: Sắt, magie, L-3-n-butylphthalide,... Ngoài ra, thành phần Pthalides có trong cần tây có tác dụng giảm kích thích tiết dịch mật, vì vậy giúp hạ nồng độ cholesterol.

Su-dung-thao-duoc-giup-giam-nguy-co-bi-xo-vua-dong-mach-do-tang-mo-mau

Sử dụng thảo dược giúp giảm nguy cơ bị xơ vữa động mạch do tăng mỡ máu

Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, luyện tập và sinh hoạt điều độ

Chế độ sinh hoạt là yếu tố quan trọng giúp cải thiện tình trạng bệnh vô cùng hiệu quả mà bệnh nhân cần tuân thủ. Các nguyên tắc trong chế độ sinh hoạt, luyện tập và dinh dưỡng cho bệnh nhân gồm:

  • Ngưng hút thuốc lá, thuốc lào. Tránh tiếp xúc với các loại khói thuốc.
  • Duy trì tập thể dục 15-30 phút mỗi ngày, 6 ngày/ tuần. 
  • Một số môn thể thao nhẹ nhàng phù hợp cho bệnh nhân bệnh tim mạch vành như đi bộ, ngồi thiền, yoga,...
  • Giảm cân nếu thừa cân, béo phì: Nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế để đưa chỉ số BMI về mức 18 - 22. 
  • Chế độ dinh dưỡng tốt cho tim mạch: Ăn ít thực phẩm giàu chất béo, chất bột đường, muối. Nên tăng khẩu phần của cá, thịt gia cầm, rau củ quả, các loại hạt và thực phẩm tươi sống, organic,...
  • Không uống rượu, bia.
  • Nghỉ ngơi phù hợp, tránh căng thẳng, stress kéo dài.

Bệnh tim mạch vành là bệnh lý nguy hiểm, người bệnh cần khám sức khỏe định kỳ 6 tháng - 1 năm để nhanh chóng phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường ở tim. Nhờ đó, giúp chẩn đoán sớm bệnh và chữa trị kịp thời theo hướng dẫn của các bác sĩ. Nếu bạn còn câu hỏi liên quan đến chủ đề trên, hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ gửi đến bạn thông tin tư vấn sớm nhất.

Tài liệu tham khảo: pubmed.ncbi.nlm.nih.gov, cdc.gov, mayoclinic.org, nhs.uk, medicalnewstoday.com