Bệnh mỡ máu thường gặp ở người cao tuổi và hiện nay đang dần có xu hướng trẻ hóa. Vậy đâu là nguyên nhân khiến tỷ lệ bệnh ngày một tăng cao? Làm thế nào để nhận biết và điều trị bệnh nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất? Theo dõi ngay bài viết sau đây!

Bệnh mỡ máu là gì?

Mỡ máu (lipid máu) gồm 4 loại: Cholesterol toàn phần, triglyceride, LDL-cholesterol (Low density Lipoprotein: mỡ xấu) và HDL-cholesterol (High-density Lipoprotein: mỡ tốt). 
Bệnh mỡ máu hay còn biết đến với tên gọi như máu nhiễm mỡ, rối loạn chuyển hóa lipid máu,… được định nghĩa là tình trạng các chỉ số mỡ máu tăng cao hoặc giảm thấp ngoài ngưỡng cho phép của cơ thể.
Theo Hội Tim mạch Hoa Kỳ (ACC), người nhận chẩn đoán mắc bệnh mỡ máu sẽ có các thông số thay đổi như sau:

  • Cholesterol toàn phần > 5,2 mmol/L (200 mg/dL).
  • Triglyceride > 2,2 mmol/L (160 mg/dL).
  • LDL-cholesterol > 3,3 mmol/L (130 mg/dL).
  • HDL-cholesterol < 1,3 mmol/L (50 mmol/L).

Người bệnh mỡ máu thường không có hoặc có rất ít các triệu chứng lâm sàng đặc trưng giúp nhận biết sớm tình trạng. Thông thường, bệnh chỉ được phát hiện qua xét nghiệm đánh giá các chỉ số mỡ máu hoặc trong trường hợp tiến triển kéo dài khiến lipid xấu tích tụ lâu dần trong lòng mạch, tạo thành các mảng bám lớn chèn ép mạch máu. Tình trạng này gây cản trở lưu thông máu đến các cơ quan và dẫn đến một số triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, tê bì chân tay,…

>>> XEM THÊM: 

Nguyên nhân gây bệnh mỡ máu

Bệnh máu nhiễm mỡ hay xảy ra ở đối tượng trung tuổi. Tuy nhiên, hiện nay xu hướng mắc bệnh mỡ máu tại Việt Nam ngày càng trẻ hóa và tăng nhanh do ảnh hưởng từ lối sống thiếu lành mạnh. Dưới đây là một số nguyên nhân chính dẫn đến bệnh mỡ máu thường gặp.

Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học

unnamed-(4)-(3).webp

Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh mỡ máu

Việc thu nạp quá nhiều chất béo, đồ ngọt, tinh bột,… mỗi ngày, vượt quá ngưỡng sử dụng của cơ thể là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh mỡ máu. Một số thực phẩm đứng đầu danh sách gây nên tình trạng mỡ máu như:

  • Thực phẩm có nhiều cholesterol: Thịt bò, thịt lợn, thịt bê, trứng, sữa,…
  • Thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa: Dầu dừa, ca cao, thực phẩm đóng hộp, thức ăn chứa bơ,…

Béo phì gây bệnh mỡ máu

Thừa cân, béo phì cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng máu nhiễm mỡ trên nhiều bệnh nhân. Béo phì khiến hàm lượng cholesterol trong máu tăng cao, đặc biệt là hàm lượng LDL-cholesterol. Bên cạnh đó, lượng mỡ thừa thường tích tụ chủ yếu ở bụng và các cơ quan nội tạng gây những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cũng như hoạt động của cơ thể người bệnh.

Thường xuyên hút thuốc lá

Hút thuốc lá thường xuyên là nguyên nhân dẫn đến bệnh máu nhiễm mỡ do làm giảm mạnh lượng HDL-cholesterol trong cơ thể. Ngoài ra, hút thuốc lá còn là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý liên quan đến tim mạch, phổi, gan như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm gan,….

Lười vận động gây bệnh mỡ máu

Một trong số những lý do khiến bệnh mỡ máu có xu hướng ngày càng trẻ hóa là tình trạng lười vận động. Khi cơ thể ít vận động thể chất sẽ làm tăng lượng LDL-cholesterol và giảm lượng HDL-cholesterol một cách đáng kể. Vì vậy, lười vận động, thường xuyên không di chuyển, chỉ ngồi, nằm một chỗ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh mỡ máu.

unnamed-(4)-(1).webp

Lười vận động làm tăng nguy cơ mắc bệnh máu nhiễm mỡ

>>> XEM THÊM:

Các yếu tố khác

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân như: Tuổi tác, giới tính, tiền sử gia đình, tình trạng sức khỏe chung, thường xuyên căng thẳng stress,… cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh máu nhiễm mỡ trên nhiều bệnh nhân.

Đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh mỡ máu

Dựa vào nguyên nhân, có thể xác định được đối tượng dễ mắc bệnh mỡ máu thường mang một trong số những đặc điểm sau: 

  • Béo phì.
  • Hút thuốc lá.
  • Lười vận động.
  • Đang mắc các bệnh lý như đái tháo đường, tăng huyết áp.
  • Gia đình có người bị bệnh tim mạch (trước 60 tuổi ở nữ hoặc 50 tuổi ở nam).

Nếu bạn có một trong số những đặc điểm trên, hãy kiểm tra sức khỏe định kỳ và tiến hành xét nghiệm mỡ máu tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Từ đó giúp nhanh chóng phát hiện bệnh, có phương pháp điều trị sớm và hiệu quả theo hướng dẫn của bác sĩ.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh mỡ máu

unnamed-(4)-(5).webp

Một số biến chứng nguy hiểm của bệnh mỡ máu

Bệnh mỡ máu thường chỉ được phát hiện qua các xét nghiệm cận lâm sàng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, rất ít người chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ để giúp phát hiện bệnh. Vì vậy đến khi phát hiện, bệnh thường đã tiến triển sang giai đoạn nặng. Nếu không có biện pháp can thiệp và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe như:

  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến tim mạch như xơ vữa động mạch, tắc mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim,… 
  • Viêm tụy: Hàm lượng triglyceride tăng cao trong máu sẽ gây tình trạng sưng viêm tuyến tụy, với một số diễn biến phức tạp nếu không cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm tới tính mạng.
  • Huyết áp cao: Mỡ máu tích tụ nhiều làm hình thành mảng xơ vữa trong lòng mạch, cản trở lưu thông máu tới các cơ quan và dẫn đến tình trạng áp suất máu tăng cao, gây tăng huyết áp.
  • Tai biến mạch máu não: Các mảng xơ vữa khiến lòng động mạch ngày càng hẹp dần, máu khó cung cấp được lên não là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não. 
  • Suy giảm chức năng gan: Mỡ máu là một trong những nguyên nhân chính gây ra gan nhiễm mỡ, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới xơ gan, ung thư gan.

Hướng dẫn điều trị bệnh mỡ máu hiệu quả

Mục đích chính trong điều trị bệnh mỡ máu là cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Để đạt được 2 mục đích này, người bệnh nên kết hợp các biện pháp như sử dụng thuốc điều trị, dùng thảo dược có tác dụng giảm mỡ máu và xây dựng lối sống khoa học.

Điều trị bệnh mỡ máu bằng thuốc

Có 4 nhóm thuốc hiện nay được sử dụng trong điều trị bệnh mỡ máu bao gồm:

  • Statins là nhóm thuốc đầu tay được sử dụng trong điều trị mỡ máu với tác dụng làm giảm LDL-cholesterol và giảm nguy cơ đau tim, đột quỵ, được các chuyên gia y tế khuyên dùng.
  • Niacin được sử dụng trong điều trị hạ mỡ máu với tác dụng giảm LDL-cholesterol, triglyceride và giúp tăng lượng HDL-cholesterol.
  • Nhựa gắn acid mật (nhóm resin) là nhóm thuốc có tác dụng giảm LDL-cholesterol, từ đó hạ mỡ máu.
  • Các dẫn xuất của acid fibric được sử dụng trong hạ mỡ máu nhờ tác dụng giảm triglyceride trong máu hiệu quả.

Trường hợp bệnh lý mỡ máu được phát hiện sớm, tình trạng còn ở mức độ nhẹ và bạn không mắc kèm đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành,… chỉ cần thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ để kiểm soát các chỉ số. Sau thời gian 6 tháng điều trị, nếu tình trạng không cải thiện hoặc trường hợp phát hiện bệnh muộn cần sử dụng thuốc hạ mỡ máu theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát và ngăn ngừa biến chứng.

Sử dụng thảo dược giúp cải thiện bệnh mỡ máu

Bên cạnh việc dùng thuốc tây y trong điều trị bệnh mỡ máu, sử dụng thảo dược cũng là một trong những được biện pháp được nhiều chuyên gia y tế khuyên dùng vì hiệu quả và tính an toàn.

unnamed-(4)-(2).webp

Sử dụng thảo dược giúp cải thiện chỉ số mỡ máu

Một số thảo dược đem lại hiệu quả trong việc giảm mỡ máu được nhiều bệnh nhân tin dùng như: Lá sen, tỏi, hoàng bá, nghệ,… Trong đó chiết xuất lá sen đã được chứng minh có tác dụng giảm lượng lipid toàn phần, cholesterol và chất béo trung tính (triglyceride) thông qua nghiên cứu khoa học được thực hiện bởi Kyung-Seok Lee và Liyoung Lee tại Hàn Quốc (năm 2011).

>>> XEM THÊM: Danh sách CÁC LOẠI LÁ UỐNG GIẢM MỠ MÁU chỉ sau 4 tuần - Click ngay!

Xây dựng lối sống khoa học

Có thể thấy rằng, nguyên nhân gây bệnh mỡ máu liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống và sinh hoạt. Vì vậy, xây dựng lối sống khoa học ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả điều trị bệnh mỡ máu. Trong nguyên tắc xây dựng lối sống lành mạnh cho bệnh nhân mỡ máu cần tuân thủ một số điều sau:

  • Hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều chất béo và cholesterol như thịt lợn mỡ, thịt bò, dầu dừa, bơ, đồ chiên xào, đồ ăn nhanh,…
  • Không ăn nội tạng động vật, da của các loại gia cầm,…
  • Bổ sung rau xanh, các loại hoa quả như rau cải xoong, cần tây, súp lơ, bưởi, cam, táo, nho,… vào chế độ ăn hàng ngày.
  • Không sử dụng đồ uống có cồn như rượu, bia.
  • Không hút thuốc lá.
  • Tăng cường tập luyện thể dục thể thao hàng ngày thông qua các hoạt động như đi bộ, chạy, đạp xe,….

Với thông tin chi tiết liên quan đến bệnh mỡ máu trong bài viết, hy vọng bạn đọc có được cái nhìn tổng quan. Cần chủ động thăm khám sức khỏe thường xuyên để phát hiện sớm và điều trị kịp thời theo hướng dẫn của các chuyên gia y tế. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào về bệnh mỡ máu, hãy để lại bình luận hoặc số điện thoại, các chuyên gia của chúng tôi sẽ giải đáp giúp bạn.
Tài liệu tham khảo: medicalnewstoday.com, healthline.com, webmd.com, mayoclinic.org, aafp.org, ncbi.nlm.nih.gov